Đầu tuần qua, Quốc hội đã giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từ năm 2011 đến năm 2016. Nhiều ý kiến đã phân tích nguyên nhân khiến hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, thậm chí là ở giai đoạn DNNN đầu tư ngoài ngành rất mạnh với nhiều dự án quy mô đầu tư lớn nhưng chất lượng không cao, dẫn tới thất thoát vốn nhà nước, gây lãng phí hay có cả sai phạm.
Tờ Thanh niên chạy hàng tít lớn: "DNNN thua lỗ, phải chăng do lợi ích nhóm?" – Đây cũng là câu hỏi được các đại biểu Quốc hội đặt ra về việc hàng loạt DNNN làm ăn thua lỗ.
Theo đại biểu Leo Thị Lịch, tỉnh Bắc Giang, cũng có tư duy là các lãnh đạo coi DNNN như sân sau của mình, đây phải chăng là biểu hiện của lợi ích nhóm hay nguyên nhân dẫn tới nhóm lợi ích khi một số cơ quan nhà nước "vừa đá bóng, vừa thổi còi"?
Chỉ ra 3 dạng thất thoát của DNNN, đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay: Người ta nói báo cáo tài chính của các doanh nghiệp giống như có phép thần thông biến hóa giữa lỗ và lãi. Khi cần thăng chức, tăng quỹ lương, xin vốn thì báo cáo lãi, nhưng khi báo cáo với cơ quan tài chính thuế thì lại báo cáo lỗ.
Có đại biểu than phiền rằng, lẽ ra DNNN phải là đầu tàu dẫn dắt kinh tế nhưng thực tế tình hình thời gian qua lại cho thấy DNNN đang ở vị trí… khóa đuôi. Một trong những nguyên nhân là do sự chồng chéo, lẫn lộn giữa vai trò quản lý nhà nước của các Bộ, Ngành với vai trò quản trị, chủ quản của các DNNN. Việc các Bộ, Ngành không buông DN dẫn tới tình trạng không khách quan trong việc xây dựng chính sách, nhất là chính sách đối với môi trường hoạt động của DN nói chung, từ đó, làm giảm hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước, tạo ra sự ỉ lại, không chịu vươn lên của DNNN, vừa làm "méo mó" môi trường cạnh tranh.
Đã có nhiều "lỗ hổng" khiến hoạt động của DNNN chưa đạt kỳ vọng, hay nói nặng hơn, là đầy tai tiếng, đã được các đại biểu Quốc hội tập trung phân tích làm rõ.
Điều kỳ lạ là tất cả những vấn đề thất thoát, lỗ của DNNN ai cũng biết nhưng có cả một bộ máy về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát lại không phát hiện ra. Theo một số đại biểu, một trong những thất thoát của quá trình thoái vốn, cổ phần hóa DNNN là việc tài sản đất đai của nhà nước chưa được tính giá đúng giá, sát với thị trường. Mặc dù quá trình định giá đã có đầy đủ cơ quan thẩm định nhưng những cơ quan này cũng có thể bị chi phối khiến cho việc thẩm định giá rất hình thức.
Trên tờ Tuổi trẻ, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám, tỉnh Kon Tum, cho rằng quá trình định giá có vấn đề. Cử tri và dư luận vẫn rất lo ngại việc định giá, trục lợi, đẩy giá mua bán DN theo hướng lợi ích nhóm gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!