Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng 26/8, bão Pakhar đã đi vào khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 7 năm 2017. Hồi 7h, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 119,5 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25-30km, đến 7 giờ ngày 27/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 113,3 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 13.
Cũng trong sáng 26/8, tại khu vực giữa Biển Đông đã hình thành một áp thấp nhiệt đới. Hồi 7 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 7 giờ ngày 27/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Định-Khánh Hòa khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Trước tình hình trên, ngay trong sáng 26/8, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã họp triển khai các biện pháp ứng phó với bão Pakhar (bão số 7). Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Quang Hoài chỉ trì cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp về tình hình bão số 7 và áp thấp nhiệt đới, ông Nguyễn Văn Hưởng - Phó Trưởng phòng dự báo hạn ngắn, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết chi tiết: "Tới thời điểm này, bão Pakhar đã đi vào biển Đông và có thể gọi là cơn bão số 7. Hiện bão số 7 đang ở cấp 8, di chuyển tương đối nhanh với tốc độ 30km/h. Ngoài ra, 4h sáng nay, một áp thấp nhiệt đới hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực giữa biển Đông. Áp thấp nhiệt đới này có sự tương tác với bão số 7. Hiện tại, dưới tác động của cơn bão số 7 và áp thấp nhiệt đới, vùng nguy hiểm đang tập trung hầu hết ở khu vực Bắc giữa biển Đông. Hoàn lưu của bão số 7 và áp thấp nhiệt đới có sự chồng lấn.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Trưởng phòng dự báo hạn ngắn báo cáo về tình hình bão số 7 và áp thấp nhiệt đới.
Đến ngày 27/8, bão số 7 hoạt động mạnh sẽ hút khiến áp thấp nhiệt đới yếu đi. Áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa ở Bắc và Trung Bộ từ Quảng Trị trở vào đến Phú Yên. Trên biến, áp thấp nhiệt đới gây mưa dông ở khu vực biển từ Bình Thuận đến Cà Mau".
Riêng về cơn bão số 7, ông Nguyễn Văn Hưởng lưu ý: "Bão số 7 tương tự như bão số 6. Thời điểm bão mạnh nhất là khoảng từ 1h đến 7h ngày 27/8, mạnh cấp 10. Cường độ bão số 7 không mạnh như bão số 6 nhưng phải lưu ý đề phòng. Mưa bắt đầu từ khoảng ngày 28/8 đến hết ngày 30/8 với lượng mưa phổ biến từ 80-150mm. Tuy nhiên, khu vực vùng núi và trung du sẽ vào khoảng từ 150-200mm, có nơi lên tới 300 mm. Do hoàn lưu bão đi nhanh, tuy lượng mưa không nhiều nhưng mưa cấp tập nên có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất".
Theo báo cáo tại cuộc họp, sau cơn bão số 6 và để ứng phó với bão số 7, hiện tại, hồ Thuỷ điện Hoà Bình đang mở 2 cửa xả đáy, hồ Sơn La đang mở 1 cửa xả đáy, hồ Thác Bà đang mở 2 cửa xả mặt, hồ Tuyên Quang mở 3 cửa xả đáy.
Kết luận buổi họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, nhận định: "Năm nay, các cơn bão đổ bổ tương đối dồn dập. Sau bão số 2 và số 4 thì bão số 6 và số 7 cũng gần tương tự về vị trí đổ bộ. Ngoài ra, chúng ta phải đối phó với áp thấp nhiệt đới nên các đơn vị cần chủ động các biện pháp ứng phó với bão số 7".
Cụ thể, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương tăng cường cung cấp những bản tin cảnh báo, dự báo sát với tình hình thực tế cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, các địa phương và các cơ quan thông tin truyền thông để kịp thời chỉ đạo, tuyên truyền tới nhân dân trong việc chủ động ứng phó với bão.
Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai chỉ đạo các đơn vị phối hợp ứng phó bão số 7.
Đối với những diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới trên biển, các địa phương thuộc vùng ảnh hưởng theo dõi sát sao diễn biến, thông báo kịp thời cho chủ tàu, thuyền, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết, tìm nơi tránh trú an toàn, đặc biệt lưu ý đến các tàu thuyền nhỏ, khách du lịch và các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản.
Theo báo cáo, hiện không có tàu thuyền hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão số 7. Ngoài ra, có 11 tàu thuyền nằm trong vùng bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Ông Nguyễn Quang Hoài yêu cầu, theo dõi sát diễn biến của cơn bão và áp thấp nhiệt đới để thông tin kịp thời đến các chủ tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực có phạm vi ảnh hưởng.
Trên đất liền, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục đôn đốc các địa phương có nguy cơ cao dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân..., đồng thời có các bản tin cung cấp cho các địa phương, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tình hình, diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới, từ đó có cách ứng phó hiệu quả.
Về vấn đề hồ chứa thuỷ điện, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các đơn vị tư vấn tiếp tục tập trung tính toán, tham mưu cho Ban Chỉ đạo trong công tác vận hành đảm bảo thiết thực, sát thực tế. Đối với các hồ chứa nước, các địa phương cần tăng cường kiểm tra các hồ chứa có khả năng mất an toàn, các hồ chứa nhỏ đã đầy nước để có giải pháp xử lý hợp lý nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực hạ du.
"Trong quá trình vận hành 6 hồ chứa lớn nhất cả nước, chúng ta đang có các cơ quan tư vấn số 1 của đất nước như Viện Hàn lâm khoa học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Thủy Lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Viện Khí tượng thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Yêu cầu các đồng chí tính toán bài bản, độc lập, trung thực, khách quan trong quá trình tư vấn", ông Trần Quang Hoài nói.
Các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên tiếp tục thực hiện Công điện số 43,48 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc ứng phó với mưa lũ sau bão số 6 và diễn biến cơn bão số 7.
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận thực hiện Công điện 49 của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đối với việc ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố hạ du các hồ chứa thuỷ điện trên lưu vực sông Hồng tiếp tục triển khai nội dung thông báo số 101 ngày 24/8; số 102 ngày 25/8.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến bão số 7, tình hình mưa lũ sau bão số 6, việc xả lũ hồ chứa, công tác điều hành của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các bộ, ngành để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh.
Hồi 10h ngày 26/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 119,1 độ Kinh Đông, cách đảo Lu dông, Philippines khoảng 160km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25-30km. Đến 10 giờ ngày 27/08, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/h), giật cấp 13.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!