Tại nhiều địa phương, hàng loạt giáo viên đang đứng trước nỗi lo mất việc. Có thể kể ra ngay mới đây, hơn 50 giáo viên tiểu học và trung học cơ sở ở huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, phải chấm dứt công việc giảng dạy theo hợp đồng lao động ngay trước năm học mới.
Trước đó, hàng trăm giáo viên tại Thanh Hóa cũng bị chấm dứt hợp đồng do địa phương không còn nhu cầu, hàng trăm giáo viên khác phải chuyển sang dạy các cấp học, các môn học không đúng với chuyên môn của mình. Tuy nhiên, việc tuyển dụng, sử dụng nhân lực giáo dục không chỉ dừng ở chữ "thừa". Sự bất hợp lý còn thể hiện rõ ở việc, nơi thì quá thừa - nơi thì quá thiếu.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết tháng 1/2017, cả nước dôi dư gần 27.000 giáo viên công lập.
Trong đó, cấp trung học cơ sở dôi dư nhiều nhất, hơn 21.000 giáo viên, điển hình là các địa phương: Thái Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam... Tuy nhiên, số giáo viên công lập còn thiếu, thậm chí còn cao gần gấp đôi số giáo viên dôi dư, lên đến hơn 45.000 giáo viên, trong đó cấp mầm non thiếu trầm trọng nhất, hơn 36.000 giáo viên.
Tình trạng thừa - thiếu giáo viên không chỉ xảy ra ở mỗi địa phương, mà còn từ mỗi trường học, thừa - thiếu về tổng số biên chế, hoặc tổng số biên chế đảm bảo nhưng lại thừa giáo viên ở môn này, thiếu giáo viên ở môn khác.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tình trạng thừa - thiếu giáo viên là do một số quy định trong tuyển dụng chưa phù hợp với thực tiễn; việc tuyển dụng, ký hợp đồng với giáo viên vẫn còn tiêu cực. Nhiều địa phương ký hợp đồng với giáo viên một cách tràn lan, không đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều địa phương sáp nhập trường lớp dẫn đến tình trạng dư thừa giáo viên, các bộ quản lý. Việc dự báo, quy hoạch tổng thể nhu cầu đội ngũ giáo viên của các địa phương nói riêng, của toàn ngành nói chung còn thiếu và yếu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!