Hôm nay là ngày mở đầu đợt Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) tại Hà Nội.
Đây là những hội nghị quốc tế quan trọng hàng đầu do Việt Nam tổ chức trong năm nay, thu hút sự tham dự của hàng nghìn đại biểu quốc tế trong khu vực.
Hôm nay là ngày đầu tiên trong 3 ngày họp của đợt hội nghị về 2 khuôn khổ hợp tác rất đáng chú ý trong khu vực, đó là tiểu vùng Mekong mở rộng và khu vực tam giác phát triển. Nó liên quan đến 6 quốc gia có chung dòng sông Mekong, một trong những con sông lớn nhất thế giới. Chính vì vậy, hợp tác giữa các nước trải rộng trên nhiều lĩnh vực và hôm nay là ngày họp của các quan chức cao cấp để thống nhất chương trình nghị sự của hội nghị.
Bắt đầu các cuộc họp quan chức cấp cao GMS 6 và nhóm kỹ thuật CLV 10
Tại hội nghị lần này, một sự kiện rất được chờ đợi là Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh tiểu vùng Mekong mở rộng, lần đầu tiên được tổ chức. Đây chính là sáng kiến của Việt Nam trên cương vị nước chủ nhà hội nghị năm nay, mục tiêu là tăng cường đối thoại giữa các doanh nghiệp và Nhà nước, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới. Sáng kiến này đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp. Hơn 2.000 doanh nhân trong nước và quốc tế đã đăng ký tham dự Diễn đàn, tức là tương đương với Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC hồi năm ngoái.
Đăng ký tham dự Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh Tiểu vùng Mekong mở rộng, lãnh đạo Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam mong muốn sẽ gặp gỡ được nhiều doanh nghiệp của 5 nước thành viên trong tiểu vùng, cùng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, qua đó có thể bàn bạc về giải pháp nhằm mở rộng thị trường cho hạt mắc-ca của Việt Nam.
3 vấn đề chính sẽ được các doanh nhân thảo luận, đó là phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp và thúc đẩy thương mại xuyên biên giới trong khu vực. Điều quan trọng hơn, đây là động thái cho thấy khu vực tư nhân được huy động nhiều hơn để cùng với các nguồn vốn từ các nhà tài trợ tham gia các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở các nước trong tiểu vùng. Điển hình như các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào Lào và Campuchia hơn 100 dự án với tổng vốn đăng ký là hơn 3,8 tỷ USD.
Giới doanh nhân hứng khởi hợp tác trong GMS
Với hơn 2.000 doanh nhân đăng ký tham gia Diễn đàn Thượng đỉnh doanh nghiệp Tiểu vùng Mekong mở rộng, đây là quy mô lớn tương đương với Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC năm 2017. Điều này thể hiện sự hứng khởi kinh doanh, niềm tin của các doanh nhân, nhà đầu tư vào các chính sách đổi mới, cởi mở, thông thoáng của các Chính phủ và các cơ hội kinh doanh thuận lợi đang mở ra ở các nước trong Tiểu vùng.
Có thể nói, với việc đảm nhận cương vị chủ nhà hội nghị năm nay, Việt Nam tiếp tục thể hiện sự chủ động và tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực. Năm 2018 sẽ ghi một dấu mốc mới trong tiến trình hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng và khu vực tam giác phát triển sau 2 thập kỷ triển khai.
Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng và tam giác phát triển
Tiểu vùng Mekong mở rộng - khu vực được gắn kết với nhau bởi dòng sông Mekong, có diện tích 2,6 triệu km2 và dân số khoảng 340 triệu người, kết nối 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc với Myanma, Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia.
Được khởi xướng năm 1992 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), sau hơn 25 năm, hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng được đánh giá là có hiệu quả hàng đầu trong các cơ chế hợp tác tại tiểu vùng Me Kong.
Trong 6 nước tham gia cơ chế tiểu vùng Mekong mở rộng, có các khuôn khổ hợp tác khác thúc đẩy sự gắn kết giữa các nhóm 3 nước, 4 nước, 5 nước trong tiểu vùng, trong đó Tam giác phát triển khu vực biên giới Campuchia, Lào, Việt Nam là một cơ chế đã ra đời từ rất sớm, ngay từ năm 1999 và mang lại hiệu quả thiết thực cho 13 tỉnh khu vực biên giới 3 nước.
Khác với hợp tác trong các khuôn khổ đa phương như ASEAN hay APEC dựa trên các hiệp định, hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng chủ yếu dựa trên các dự án cụ thể về kết nối giao thông và hành lang kinh tế.
Trong vòng 25 năm, ADB và các đối tác đã đầu tư khoảng 20 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực, để xây dựng khoảng 10.000 km đường cao tốc, 500 km đường sắt, và khoảng 2.000 đường dây truyền tải điện. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ 66 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.
Phát huy 25 năm hợp tác, xây dựng một tiểu vùng Mekong mở rộng bền vững, hội nhập và thịnh vượng", đây sẽ là chủ đề xuyên xuốt của hội nghị lần này. Với nền tảng hợp tác trong 2 thập kỷ qua, 6 nước tiểu vùng Mekong mở rộng và 3 nước khu vực Tam giác phát triển đang đứng trước cơ hội tăng cường hơn nữa các chương trình hợp tác trong khu vực qua các phiên thảo luận tại Hà Nội trong 2 ngày tới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!