Biến đổi khí hậu đã không còn là chuyện xa xôi...

Ngọc Tình, Đặng Mai-Thứ bảy, ngày 20/04/2013 15:48 GMT+7

Nông dân miền Trung đối mặt với nguy cơ mất trắng hàng chục triệu ha lúa và hoa màu. (Ảnh: tintuconline)

 Không còn xa xôi, ngay tại thời điểm này, những tác động của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư ở hàng loạt các địa phương trọng điểm của nước ta.

Nhiều ngày nay, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đang phải đối mặt với nạn khô hạn nghiêm trọng nhất trong vòng 8 năm qua. Để cứu vườn cà phê sắp đến ngày thu hoạch không bị chết cháy, gia đình anh Y Tuyên,xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, tỉnh Đăk Lăk cũng như nhiều người dân trong huyện đã phải đầu tư hàng chục triệu đồng đào sâu thêm giếng nước.

Anh Y Tuyên Ayun, cho biết:“Do nước ngoài đập đã cạn, nên nước giếng sâu 20m của nhà tôi cũng cạn theo. Cách đây 1 tuần, tôi đã thuê người đào sâu thêm khoảng 7m nữa, nhưng lượng nước có được cũng ít lắm”.

Cùng lúc đó, tại nhiều tỉnh thành tại ĐBSCL, nước mặn đang ngày càng xâm nhập sâu vào đất liền, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người dân.

Còn tại nhiều tỉnh phía Bắc, trong vòng hơn 1 tháng qua, đã xảy ra hiện tượng mưa đá kèm theo lốc xoáy bất thường trên diện rộng, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho nhiều địa phương. Chỉ riêng tại Cao Bằng mưa đá đã làm thiệt hại hơn 15 tỷ đồng.

Những dấu hiệu càng ngày rõ rệt

Nhiều người trong chúng ta chắc cũng chưa quên những cơn mưa lớn với lượng mưa kỷ lục trong vòng 100 năm qua hồi cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2008, đã biến nhiều tuyến phố của Hà Nội thành sông. Trận mưa lớn đã làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của hàng nghìn người dân và đã có hàng chục người bị chết.

Nhiều người chắc vẫn nhớ, rạng sáng ngày 17/4 vừa qua, trên địa bàn huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cũng đã xảy ra một trận mưa đá và gió lốc lớn, làm sập đổ 8 ngôi nhà và gây hư hại nhiều diện tích hoa màu của người dân.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong gần 20 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm nước ta phải hứng chịu hàng chục cơn bão lớn. Mưa bão diễn ra ngày càng nhiều, bất thường và khó dự báo đã và đang tác động xấu đến sự phát triển kinh tế xã hội. Thiệt hại ước tính do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra ở nước ta lên tới 5% GDP mỗi năm.

Cũng theo Kịch bản cập nhật về Biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam vừa công bố, vào cuối thế kỷ này mực nước biển của nước ta sẽ dâng khoảng từ 57cm - 73cm. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 39% diện tích ĐBSCL và 10% diện tích ĐBSH có nguy cơ biến mất.

Trước những tác hại thực tế và những cảnh báo do biến đổi khí hậu, rất cần có nhận thức đúng cũng như sự chung tay đóng góp của toàn xã hội trước những tác hại của biến đổi khí hậu, thông qua những biện pháp ứng phó thiết thực.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước