Biến đổi khí hậu: Đâu chỉ là chuyện khát

-Thứ ba, ngày 11/08/2015 10:06 GMT+7

VTV.vn - Những tác động của biến đổi khí hậu đã không còn mơ hồ nhưng dường như khả năng ứng phó của đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn khá yếu ớt.

Năm 2015, một chuyện chưa từng có đã xảy ra - tỉnh Kiên Giang thiếu nước ngọt giữa mùa mưa. Hơn 50 nghìn hộ dân ở thành phố Rạch Giá và huyện Hòn Đất phải chật vật, chắt chiu từng giọt nước. Cũng trong năm nay, nắng hạn kéo dài, nước mặn lấn sâu vào nội đồng đến vài chục km khiến hàng nghìn ha đất nông nghiệp của bà con nông dân mặn chát nỗi niềm của mùa màng thất bát.

Những ngày giữa tháng 7, công việc được ưu tiên hàng đầu của các hộ dân ở thành phố Rạch Giá tỉnh Kiên Giang là tích nước. Khi nguồn nước máy bị cắt hoàn toàn, mọi dụng cụ chứa nước đều được sử dụng. Ca nhựa, bồn chứa rục rịch tăng giá, giá nước đóng bình cũng lên gần gấp đôi do nhu cầu tăng vọt. Nước sạch với bà con lúc này quý hơn vàng.

“Có khi 3 ngày tắm một lần, chỉ lau người thôi” – ông Trần Văn Khoa, một người dân của thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang nói.

Nhu cầu bức thiết cho cuộc sống bị hạn chế đã không tránh khỏi những bức xúc. Ông Võ Văn Hiên, một người dân khác ở Rạch Giá bày tỏ: “Nếu cứ cúp nước như vậy hoài thì có nguy cơ phải đi về quê, về ruộng mà sống thôi. Ở đây không có nước làm sao mà sống được. Không có nước, mọi thứ sinh hoạt đều vất vả lắm!”.

Cả những nơi được ưu tiên nhất như Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang vẫn bị cắt nước từ 22h đến 5h sáng hôm sau. Bệnh viện cũng đã phải cắt giảm một số hoạt động. Việc khám chữa bệnh cho hơn 1.300 bệnh nhân nội trú mỗi ngày ở bệnh viện có nguy cơ bị đe dọa nếu tình trạng thiếu nước kéo dài.

Nguyên nhân của tình trạng trên do tuyến kênh của Rạch Giá – Long Xuyên bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Đây lại là nguồn nước duy nhất cho nhà máy nước của tỉnh Kiên Giang. Đến khi lượng nước dự trữ chỉ còn đủ để cầm cự thêm chục ngày thì rất may, một số cơn mưa đã giúp Kiên Giang vượt qua cơn khát nước sạch. Nhìn lại sự việc, nhiều người cho rằng do trời và nhờ trời. Điều đó cũng có phần đúng vì từ đầu đến cuối địa phương gần như không kịp trở tay với tình huống bất ngờ này.

“Bất ngờ về hiện tượng như vậy” – ông Nguyễn Huynh Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Kiên Giang nói – “Còn đối phó thì chúng tôi vẫn theo những công trình mình có rồi vận hành theo xu hướng như vậy. Tuy nhiên, cái này là thiên tai thì chúng ta cũng phải làm quen và từ từ thích ứng”.

Rõ ràng biến đổi khí hậu đã tác động liên hoàn đến nhu cầu sát sườn nhất của đời sống người dân đồng bằng sông Cửu Long. Và những tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống của người dân như thế nào, đến sản xuất nông nghiệp ra sao, bạn hãy xem tiếp trong video dưới đây:

 

 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước