Theo các chuyên gia, từ nay đến năm 2050, mực nước ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể dâng cao 2m so với hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 20 triệu dân đang sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa. Chính vì vậy, Việt Nam đang rất quan tâm đến những giải pháp, biện pháp bảo vệ môi trường bền vững cho các thế hệ tương lai.
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cho biết: “Hiện nay thế giới đang rất khẩn trương đạt được thỏa thuận về biến đổi khí hậu được đưa ra vào cuối năm nay tại Paris. Không nằm ngoài nỗ lực của các nước đang phát triển, Việt Nam đang khẩn trương xây dựng Báo cáo về đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC). Mục tiêu của INDC là đưa ra những đóng góp của quốc gia khi có được sự hỗ trợ quốc tế và khi Việt Nam tự nguyện thực hiện trong vấn đề giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu".
Theo các chuyên gia, cam kết của các nước thể hiện trong báo cáo INDC sẽ quyết định thành công của hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP 21 sắp diễn ra tại Paris vào tháng 11 tới. Bản dự kiến phải được gửi tới Ban thư ký hội nghị trước tháng 10/2015.
Tính đến tháng 6 năm nay, đã có 16 quốc gia, nhóm quốc gia đã nộp "Dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định" cho Ban thư ký Hội nghị COP 21.
Là một nước đang phát triển, trong thời kỳ đầu tiên của Cam kết nghị định thư Kyoto từ năm 2008 đến năm 2012, Việt Nam chưa phải giảm phát thải khí nhà kính định lượng như các quốc gia phát triển. Tuy nhiên Việt Nam dự kiến sẽ giảm từ 12,5-25% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030, tương đương khoảng 772 triệu tấn CO2.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.