Ông Ngô Văn Chí (ngư dân huyện Hoài Nhơn, Bình Định) vừa đóng chiếc tàu cá vỏ thép trên 800 CV. Lẽ ra, tàu của ông neo đậu tại cảng cá Tam Quan, huyện Hoài Nhơn để hoàn thiện những khâu cuối cùng và chuẩn bị phí tổn vươn khơi. Nhưng luồng lạch hẹp và cạn, chỉ đáp ứng được tàu có công suất dưới 400 CV, còn tàu vỏ thép của ông Chí công suất gấp đôi, sau khi chuẩn bị phí tổn sẽ rất nặng, không thể ra vào. Ông phải đưa tàu vào cảng cá Quy Nhơn.
Hiện tại, đây được xem là nơi phù hợp nhất tại Bình Định để neo đậu tàu cá vỏ thép. Thế nhưng, năng lực cũng chỉ cho phép 5 - 10 chiếc.
Trong 3 cảng cá của tỉnh Bình Định có 2 cảng neo đậu được tàu vỏ thép gồm Quy Nhơn và Đề Gi. Tuy nhiên, mỗi cảng cũng chỉ tiếp nhận khoảng 5 - 10 tàu và phải neo đậu chung với tàu vỏ gỗ, chưa có khu neo đậu riêng. Trong khi đó, đội tàu cá vỏ thép ở đây hiện tại đã 47 chiếc.
Hạ tầng các cảng cá lại chưa được đầu tư, không có trụ neo, luồng lạch thường xuyên bị bồi lấp, khu neo đậu quá tải… Những lý do này khiến cho các cảng cá Bình Định, không thể tiếp nhận toàn bộ tàu vỏ thép của ngư dân.
Hạ tầng không theo kịp sự phát triển của đội tàu vỏ thép đã khiến nhiều ngư dân ngại trở về các cá Bình Định sau mỗi chuyến đánh bắt vì nếu chờ đến lượt được vào cảng thì chất lượng hải sản sẽ bị giảm. Họ đành phải cập bến ở các tỉnh phía Nam để bán cá và lấy phí tổn tiếp tục vươn khơi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!