Trên thực tế, cơ quan công an đã triệt phá nhiều vụ tống tiền mà các đối tượng phạm tội sử dụng clip nhạy cảm để đe dọa nận nhân. Có trường hợp doanh nghiệp đã cung cấp trái phép phần mềm giám sát tới 14.000 tài khoản điện thoại di động, từ quay phim, chụp ảnh tới ghi âm cuộc gọi và định vị điện thoại. Theo thống kê, 24 cá nhân, tổ chức công khai cung cấp các dịch vụ như thế này.
Theo khảo sát của báo Lao động, chỉ cần lên Google tìm là thấy hàng loạt lựa chọn với hàng chục chủng loại: Từ hình dạng con chuột máy tính, kính, bút, ổ cắm điện, sạc pin, cho tới cúc áo, đồng hồ đeo tay, móc chìa khóa… và rất nhiều thiết bị khác có định vị toàn cầu, với mức giá dao động từ 850.000 đồng – 4.000.000 đồng.
Thậm chí, còn có những máy quay lén mini đắt tiền, bắt được cả wifi. Người quay có thể theo dõi hình ảnh mình đang quay. Điều tra của báo Lao động cho thấy, địa điểm bán hàng có thể hoàn toàn khác so với ghi trên website và hoạt động lén lút.
Đề xuất siết chặt quản lý hoạt động này là cần thiết. Tuy nhiên, trong dự thảo còn có một nội dung đáng chú ý là việc chỉ có cơ quan an ninh chuyên trách mới được phép sử dụng các thiệt bị này. Như vậy, các phóng viên điều tra liệu có khả năng mất đi một công cụ tác nghiệp hay không?
Theo ý kiến của Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, việc giới hạn người sử dụng, trong đó có nhà báo, sẽ chồng chéo với Luật Báo chí và quyền tự do báo chí. Bởi trong Luật Báo chí vốn đã nghiêm cấm việc tiết lộ các thông tin nhạy cảm, bí mật đời tư hay các bí mật khác theo quy định pháp luật. Như vậy, quy định trong dự thảo của Bộ Công an cũng không cần thiết và không hợp lý, hạn chế quyền hành nghề hợp pháp của phóng viên, nhà báo. Dự thảo hiện vẫn đang được đưa ra lấy ý kiến trong thời gian 2 tháng tới. Những đóng góp để chỉnh sửa và hoàn thiện tại thời điểm này vẫn là hết sức cần thiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!