Cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, việc được trọng dụng phải là câu chuyện
đáng hoan nghênh và đáng mừng của xã hội. Song câu chuyện một thạc sỹ -
26 tuổi được bổ nhiệm chức Vụ phó của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ trong tuần qua lại
khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Băn khoăn bởi đằng sau quyết định mà có người
gọi là quá nhanh qua quyết liệt ấy, người ta nhận thấy có những tình tiết khó
hiểu, bất thường, gợi ra cái cảm giác khuất tất.
Cụ thể, trong một báo
cáo của Đảng ủy cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ do ông Nguyễn Quốc
Việt, Bí thư Đảng ủy, ký ban hành hồi đầu tháng 12/2016, ông Việt thừa nhận:
"Ông Vũ Minh Hoàng không sinh hoạt ở Đảng bộ cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo
Tây Nam bộ; không có hồ sơ đảng viên tại cơ quan này và chưa được quy hoạch với
chức danh được bổ nhiệm, nên ban thường vụ Đảng ủy đã không tham gia ý kiến nhận
xét, đánh giá bổ nhiệm cán bộ này". Nhưng trên thực tế, theo báo Tuổi trẻ, chính ông Việt đã ký một quyết định ngày hồi tháng 1/2016, để điều động và bổ nhiệm ông Hoàng.
Việc bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng làm Vụ phó của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã nhận được rất nhiều sự chú ý của dư luận tuần qua
Trong khi đó, trên báo Pháp luật TP.HCM, Trung tướng Trần Phi Hổ, nguyên Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ bày tỏ bức xúc khi ông không hề họp để có ý kiến bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng, nhưng vẫn có tên trong biên bản cuộc họp.
Ngoài Trung tướng Trần Phi Hổ, ông Võ Minh Chiến, Nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và ông Thiếu tướng Nguyễn Đoàn Kết là Ủy viên chuyên trách, Vụ trưởng Vụ An ninh – Quốc phòng cũng không họp nhưng vẫn có tên trong biên bản.
Trước đó, ông Vũ Minh Hoàng được đặc cách vào Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ hồi tháng 8/2014. Nhưng sau đó chỉ 2 tháng ông Hoàng đã đi du học nước ngoài và không làm việc tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Song chỉ sau 17 tháng được đặc cách, dù không làm việc, ông Hoàng vẫn được bổ nhiệm chức Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Rồi trong khi đi du học, ông Hoàng lại tiếp tục được chính quyền TP.Cần thơ xin về để giữ cương vị mới: Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư TP.Cần Thơ.
Trên tờ Tiền Phong,
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Họ nói là thu hút nhân tài,
nhưng mà thu hút nhân tài về để làm việc chứ không phải thu hút trên giấy tờ.
Thế rồi thu hút nhân tài xong lại cho đi ngay thì thu hút để làm gì?".
Ông Lê Phước Thọ,
nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhận định:
"Ông Vũ Minh Hoàng chưa có thời gian làm việc thực tế tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, được bổ nhiệm
chức vụ lớn là "có vấn đề". Vụ trưởng tương đương với thường vụ tỉnh ủy, còn vụ
phó thì tương đương tỉnh ủy viên. Muốn lên vụ trưởng, vụ phó không phải dễ".
Theo báo Sài gòn Giải phóng, dù chưa có kết luận chính thức về vụ việc, nhưng qua thông tin
báo chí nêu, người ta nhận thấy có sự dễ dãi, "cho qua", chưa kể là lợi ích
nhóm hay "chạy hàm" trong việc tiếp nhận và bổ nhiệm cán bộ ở một số đơn vị
trong thời gian qua.
Tuy nhiên, cũng có môt luồng ý kiến cho rằng đó là: Hãy khoan chớ nên vội lên án hay phán xét vụ việc này, bởi cũng không loại trừ Hoàng cũng là nạn nhân của việc cất nhắc nóng vội. Dù mới 26 tuổi nhưng ông Vũ Minh Hoàng đã có 5 ngoại ngữ cùng 1 bằng cử nhân loại giỏi, 2 bằng thạc sĩ loại xuất sắc, đang theo học lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Tokyo – Đại học đứng đầu châu Á và top 20 của thế giới.
Song một điều có thể nhận thấy là điều làm dư luận dậy sóng trong vụ việc này nằm ở sự thiếu công khai minh bạch trong công tác cán bộ.
Nhìn nhận về vấn đề
này, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền cho rằng: "Người ta có thể linh động, nhưng không thể
khuất tất. Điều quan trọng bây giờ là chúng ta phải làm trong sạch cái gọi là
quy trình. Khi để người dân nghi ngờ vào sự minh bạch của một quy trình thì ta
nói bao nhiêu đi nữa cũng chẳng còn ai tin".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!