Bộ trưởng Bộ Công an: Xăng giả là nguyên nhân khiến nhiều phương tiện bốc cháy trên đường

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 15/08/2019 16:30 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, xăng giả liên quan đến vụ "Trịnh Sướng" là nguyên nhân khiến nhiều ô tô, xe máy bốc cháy trên đường.

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào hôm nay (15/8), Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) có đặt câu hỏi về trách nhiệm của các bộ ngành chức năng trong việc để xảy ra tình trạng hàng giả, trong đó vụ xăng dầu giả quy mô lớn tại tỉnh Đăk Nông.

Cho đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông xác định đường dây xăng dầu do Trịnh Sướng cầm đầu đã dùng 4.200 tỷ đồng mua dung môi để tạo ra khoảng 350 triệu lít xăng giả.

Kết quả ban đầu xác định các bị can đã thực hiện hành vi pha trộn dung môi, hóa chất với chất kích RON, chất tạo màu vàng và xăng A95 để tạo ra xăng E5, xăng RON92 và RON95 giả. Sau khi xăng giả được "sản xuất", các bị can đưa đi tiêu thụ trên nhiều tỉnh thành, thu lợi bất chính hàng chục nghìn tỷ đồng.

Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố 28 bị can trong đường dây về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả".

Bộ trưởng Bộ Công an: Xăng giả là nguyên nhân khiến nhiều phương tiện bốc cháy trên đường - Ảnh 1.

Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố 28 bị can trong đường dây về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả"

Cung cấp thêm thông tin về vụ xăng giả ở Đắk Nông, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết xăng giả từ vụ án này chính là nguyên nhân khiến nhiều ô tô, xe máy bốc cháy trên đường: "Đây là tổ chức làm xăng giả đã nhiều năm và liên quan đến nhiều cơ quan, đối tượng có liên quan, phạm vi cùng cấp xăng giả thuộc nhiều tỉnh từ Nam Bộ đến miền Trung thậm chí là ra cả phía Bắc, vừa qua đã có ngăn chặn. Chúng ta đã rút ra nhiều kết luận và nguyên nhân. Từ xăng giả đó cũng tác động đến việc nhiều phương tiện ô tô, xe máy đang đi trên đường thì bốc cháy do các chất tạo cháy được pha vào xăng dầu, kích thích lượng xăng dầu".

"Chúng ta đã ngăn chặn được và giữ được môi trường bình đằng trong hoạt động mua bán, vận chuyển xăng dầu trong phạm vi toàn quốc, tạo điều kiện cho các hoạt động chính ngạch trong đấu tranh chống hàng giả" – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Về trách nhiệm của các bộ ngành chức năng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh về những vấn đề đặt ra trong việc kiểm tra, quản lý từ vụ xăng giả nói trên: "Xăng dầu là mặt hàng trọng yếu. Hàng loạt văn bản ban hành của Chính phủ và Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương, quản lý thị trưởng phối hợp Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia kiểm tra các mặt hàng thiết yếu trong đó có xăng dầu. Cho đến khi Bộ Công an phát hiện, điều tra vụ xăng giả rất lớn của doanh nghiệp ông Trịnh Sướng, thực tế, việc kiểm tra vẫn thực hiện theo chỉ đạo chung và có sự tham gia của tất cả các lực lượng. Tuy nhiên, sau khi vụ việc xảy ra, đã có một số vấn đề được phát hiện ra".

Bộ trưởng Bộ Công an: Xăng giả là nguyên nhân khiến nhiều phương tiện bốc cháy trên đường - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra rằng, sự phối hợp đồng của Ban chỉ đạo 389 tại các địa phương không kịp thời, có những kẻ hở luật pháp trong việc thực thi chức năng để thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm trên thị trường, trong đó có mặt hàng xăng dầu.

"Trên thị trường. xăng dầu có yêu cầu rất cụ thể. Chúng ta đã phân công Bộ Khoa học & Công nghệ kiểm tra chất lượng sản phẩm với tiêu chuẩn cụ thể về quy chuẩn mặt hàng xăng pha chế. Quản lý thị trường kiểm tra khi lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, khi thực hiện, lực lượng của chúng ta trong phối hợp thực hiện theo các quy định của luật thì chúng ta không có đủ điều kiện không phát hiện được ra những vụ việc quy mô, tinh vi. Ngay cả việc phối hợp tổ chức thực hiện cũng không đảm bảo hết trên địa bàn. Chính vì vậy, sau khi công an tổ chức điều tra, chúng tôi phối hợp Bộ Khoa học & Công nghệ để kiểm tra quá trình thực thi. Trước mắt, chúng tôi đã tìm biện pháp chấn chỉnh kịp thời việc quản lý chất lượng xăng dầu ở các địa phương liên quan đến trách nhiệm của Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương, Tổng cục quản lý thị trường và các địa phương" – trưởng ngành Công Thương cho biết.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đang tổ chức lại công tác quản lý và phối hợp để thực thi pháp luật để đảm bảo xuyên suốt liên khu vực, đấu tranh có hiệu quả với những lực lượng làm hàng giả, gian lận thương mại.

Sau khi có kết luận điều tra của công an, Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc cùng lực lượng chức năng nghiên cứu rút kinh nghiệm, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như tổ chức lại việc kiểm soát, quản lý thị trường gắn với từng ngành rõ ràng hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước