Trong phiên chất vấn của Quốc hội hôm nay (31/10), đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) đã đặt câu hỏi về hiệu quả kinh tế các công trình khai thác bô-xít Tây Nguyên.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, dự án bô-xít Tây Nguyên gồm 2 dự án sản xuất alumin tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông). Bộ Chính trị đã có chủ trương, sau đó dự án này được báo cáo lên Quốc hội và triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.
Đến nay, sau quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư, năm 2013, dự án bô-xít tại Tân Rai đi vào hoạt động, đạt công suất thiết kế so với dự án được phê duyệt và sản lượng hiện nay là 650.000 tấn alumin.
Dự án Nhân Cơ đi vào hoạt động vào năm 2016 và đã có sản phẩm alumin đầu tiên. Công suất đang đạt khoảng 77% công suất thiết kế vào cuối năm 2017 và dự kiến năm 2018 đạt 580.000 tấn, tương đương hơn 85% công suất thiết kế và đến năm 2019 đạt được công suất thiết kế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá việc triển khai dự án tương đối đúng tiến độ, đảm bảo các yêu cầu đặt ra trong nội dung dự án và báo cáo khả thi được phê duyệt: "Một số vấn đề dư luận lo ngại liên quan tới chất lượng công nghệ, bảo vệ môi trường, sự vận hành ổn định và an toàn nhà máy cũng các tác động đời sống người dân... về cơ bản đạt được theo yêu cầu. Chúng ta đã đạt được vận hành sản xuất thương mại tương đối ổn định với công suất như được đề ra trong báo cáo khả thi của dự án".
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn sáng 31/10
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, thuận lợi trong giai đoạn hiện nay là thị trường alumin phát triển tốt, giá bán tăng liên tục, từ năm 2017 khoảng 344 USD/tấn, đến năm 2018 đạt hơn 480 USD và tháng 4/2019 giá có thể lên đỉnh điểm khoảng 672 USD.
Bộ trưởng cũng khẳng định mục tiêu trong dự án tổng thể về khai thác và chế biển chuỗi sản phẩm nhôm không dừng ở khai thác, chế biến alumin xuất khẩu mà đây là dự án lớn, là tổ hợp các dự án, trong đó được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn khác nhau. Vì vậy, việc triển khai các dự án kế tiếp, bao gồm điện phân nhôm là những dự án triển khai trong quy hoạch sau, đồng thời trên cơ sở đánh giá thực tiễn từ kết quả khai thác 2 nhà máy ở Tân Rai và Nhân Cơ.
Đối với việc đánh giá thí điểm này, Bộ Công Thương đang triển khai tích cực theo chỉ đạo của Chính phủ và lấy ý kiến các bộ ngành Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an và các địa phương để có đánh giá toàn diện, tổng thể hiệu quả dự án trong tất cả lĩnh vực không chỉ về kinh tế, thương mại mà còn cả khía cạnh an ninh, xã hội, chính trị, kế hoạch phát triển chung… Dự kiến, Bộ Công Thương kết thúc việc đánh giá này vào cuối năm 2018 sau đó để sớm báo cáo với Bộ Chính trị và Quốc hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!