Thở phào bởi thông tư này mang nặng tính áp đặt và trái luật. Nó áp đặt vì bắt buộc người dân phải chuyển đổi giấy phép lái xe (GPLX) từ giấy sang vật liệu nhựa - PET, nếu không sẽ phải thi lại lý thuyết. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chỉ rõ thông tư này "không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất" và "tác động tiêu cực đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân".
Báo Tuổi trẻ nhìn nhận, quy định này đã gây lãng phí rất lớn về thời gian, tốn kém về tiền bạc cho người dân và gây không ít xáo trộn đời sống xã hội. Khi thông tư này được thực thi, hàng ngày có hàng trăm lượt người kéo đến sở GTVT các địa phương chầu chực đổi GPLX. Ở đất liền còn vậy, ở các huyện đảo, xã đảo còn vất vả hơn.
Phòng kinh tế huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) tính toán: để đổi GPLX, một người dân huyện đảo này phải tốn khoảng 2 triệu đồng chi phí đi lại, ăn ở và phải mất vài ngày đến một tuần để vào đất liền chầu chực chờ cấp đổi mới. Điều đáng nói, ở không ít nơi, "cò" đổi GPLX hoạt động ì xèo khi nhu cầu đổi quá lớn.
Có thể thấy, đây không phải là lần đầu tiên một văn bản quy phạm pháp luật của các bộ ngành, địa phương bị phát hiện trái luật. Điển hình, đó là quy định cấm đăng ký xe máy của Hà Nội cách đây hơn 10 năm. Một văn bản về sau bị xác định vi hiến nhưng đã làm nhiều gia đình một thời gian đã phải rất vất vả chạy ngược chạy xuôi để nhờ đăng ký xe máy của mình ở các địa phương ngoài Hà Nội. Và nhiều người bây giờ vẫn còn nguyên giấy tờ xe đi đăng ký nhờ từ ngày đó.
Điều đáng nói, không chỉ có quy định cấm xe máy của Hà Nội hay Thông tư 58 của Bộ GTVT là trái luật, trong 10 năm qua, các bộ, ngành và địa phương đã xử lý hơn 60.000 văn bản đã được phát hiện trái pháp luật.
Có thể thấy, người dân vui vì một quy định trái luật đã được Bộ Tư pháp can thiệp. Nhưng nhiều tờ báo trong tuần qua lại cho rằng không thể xem đây là một quyết định kịp thời. Bởi tiếng còi chỉ được Bộ Tư pháp cất lên khi có rất nhiều người trong cả nước đã khổ sở đi đổi GPLX trong nửa tháng qua và sau khi báo chí đã phản ánh vấn đề này trong hơn 1 tuần. Một bài học, hay một vấn đề cần phải nhận diện ngay từ lúc này được báo Đại Đoàn Kết gói lại trong hàng tít "Khoảng trống trách nhiệm".
Tờ Đại đoàn kết cho rằng, những cán bộ, công chức những người làm cả xã hội bị ảnh hưởng của việc làm sai ấy cho tới nay lại hầu như không bị áp chế tài gì. Trong việc này cũng cần phải nhìn nhận, Bộ Tư pháp công khai hầu như rất ít các văn bản trái luật trên phương tiện truyền thông, khiến cho trách nhiệm nhiều khi cho trách nhiệm của những cá nhân, cơ quan ban hành văn bản trái luật không được nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Tuy nhiên, có một ý kiến cũng rất đáng lưu ý được đăng trên tờ Pháp luật Việt Nam - Cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp. Tờ báo này nhắc tới một chi tiết: Một lãnh đạo ngành đường bộ cho hay việc ban hành Thông tư 58 với quy định về đổi GPLX từ vật liệu giấy sang vật liệu nhựa trước đó đã được lấy ý kiến của Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp đồng ý thì thông tư này mới được ban hành. Chưa ban về trách nhiệm của Bộ Tư pháp đối với việc ban hành Thông tư 58 trái luật. Nhưng theo tờ báo này, rõ ràng đã đến lúc phải đổi mới mạnh mẽ tư duy. Hơn ai hết, người làm công tác tư pháp phải tham mưu cho địa phương, bộ, ngành thực hiện đúng pháp luật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!