Các dự án luật, nghị quyết sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7

PV-Thứ bảy, ngày 18/05/2019 12:00 GMT+7

VTV.vn - Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ dành khoảng 12 ngày để xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết, trong đó có Luật Giáo dục, Luật đầu tư công...

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp giữa năm 2019 – năm thứ tư của nhiệm kỳ, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, khai mạc vào ngày 20/5/2019 và dự kiến bế mạc vào ngày 14/6/2019.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 12 ngày để xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác. 7 dự án luật, 2 nghị quyết sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua gồm có:

Luật Giáo dục (sửa đổi)

Đây là dự án luật quan trọng liên quan trực tiếp đến người dân nên luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi sát sao của cử tri và nhân dân. Dự án Luật này đã được Quốc hội thảo luận tại 2 kỳ họp (kỳ họp thứ 5 và thứ 6); được Chính phủ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân một cách rộng rãi. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục lấy ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách và các chuyên gia tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tổ chức vào tháng 4 năm 2019. Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 10 chương, 119 điều, trong đó một số nội dung cơ bản đã được tiếp thu chỉnh lý, như về triết lý giáo dục; quy định hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; về các loại cơ sở giáo dục; chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thi tốt nghiệp trung học phổ thông; các quy định liên quan đến nhà giáo, người học; vấn đề đầu tư, tài chính trong giáo dục; quản trị của cơ sở giáo dục; quản lý nhà nước về giáo dục.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục lấy ý kiến Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục lấy ý kiến Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

VTV.vn - Sáng 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).


Luật Kiến trúc

Dự án Luật được thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Tiếp đó, tại phiên họp lần thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật. Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua gồm 5 chương, 41 điều (tăng 4 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6), quy định về hoạt động kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc. Những nội dung của dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý bao gồm: phạm vi điều chỉnh của Luật; chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc và Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam; bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc và bảo tồn, khai thác công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa; đối tượng quản lý kiến trúc; Quy chế quản lý kiến trúc; Hội đồng tư vấn về kiến trúc; thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc; dịch vụ kiến trúc và phạm vi hành nghề kiến trúc; chứng chỉ hành nghề kiến trúc; điều kiện năng lực của tổ chức hành nghề kiến trúc; mô hình Kiến trúc sư trưởng; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và xử lý tranh chấp trong hoạt động kiến trúc.

Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 và Phiên họp thứ 31 về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 17 chương, 151 điều, quy định về việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước. Những nội dung của dự thảo Luật đã được chỉnh lý, tiếp thu gồm: tính cụ thể của dự thảo luật; phạm vi điều chỉnh của Luật; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý thuế; những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế; đồng tiền khai thuế, nộp thuế; giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; quản lý rủi ro trong quản lý thuế; xây dựng lực lượng quản lý thuế; hợp tác quốc tế; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế; đăng ký thuế; khai thuế, tính thuế; ấn định thuế; nộp thuế; khoanh nợ, xóa tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử; cung cấp dịch vụ đại lý thuế; kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế; xử phạt vi phạm hành chính; điều khoản chuyển tiếp.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công

Dự thảo Luật đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 và tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào tháng 4/2019. Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm 11 chương, 106 điều, trong đó một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau như: tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A,B,C; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân trong việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án; thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn; thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn; thời điểm thông qua dự án Luật Đầu tư công.

Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp 6, Quốc hội khóa XIV; Phiên họp thứ 30 của UBTVQH và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật được kết cấu thành 16 chương và 209 điều. Một số vấn đề tiếp tục được xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 gồm: phạm vi điều chỉnh; giám sát việc thi hành án hình sự; về những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự; quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; quy định tổ chức cho phạm nhân lao động; về sử dụng kết quả lao động của phạm nhân; về quy định tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; về chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi; chế độ giáo dục đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi; thi hành án tử hình; trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ; quản lý và xử lý vi phạm đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; về quyền, nghĩa vụ và xử lý vi phạm đối với người được hưởng án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ; về cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; thủ tục thi hành án đối với pháp nhân thương mại; cưỡng chế thi hành đối với pháp nhân thương mại; về chuyển giao nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này gồm 7 chương, 36 điều; trong đó có một số vấn đề lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý, như: tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật; chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; các hành vi bị nghiêm cấm. Tại kỳ họp này, một số nội dung của dự thảo Luật tiếp tục được đưa ra thảo luận như: quy định về quản lý, quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia; về các biện pháp quản lý rượu thủ công; về các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia. Trên cơ sở ý kiến thảo luận, Quốc hội sẽ quyết định về việc thông qua Dự án Luật này với mục tiêu cuối cùng là bảo đảm sức khỏe của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Bộ Y tế: Dự thảo Luật Phòng chống tác hại tác hại rượu bia đang bị yếu đi Bộ Y tế: Dự thảo Luật Phòng chống tác hại tác hại rượu bia đang bị yếu đi

VTV.vn - Dự thảo Luật Phòng chống tác hại tác hại rượu bia sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua ngày 23/5 tới.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sở hữu trí tuệ (theo quy trình một kỳ họp)

Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật trong nước để thực thi cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP và đảm bảo mục tiêu tham gia hiệu quả Hiệp định CPTPP và thi hành các cam kết phải thực thi ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam; đảm bảo thống nhất và đồng bộ với nội dung cam kết theo Hiệp định CPTPP đã được Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018. Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 gồm 4 chương, 10 điều tập trung vào các nội dung cụ thể sau đây:

* Đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm: Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm tập trung việc bổ sung các quy định về giải thích từ ngữ đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; tư vấn bảo hiểm; đánh giá rủi ro bảo hiểm; tính toán bảo hiểm; giám định tổn thất bảo hiểm; hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm; sửa đổi, bổ sung quy định về quyền tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; bổ sung quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm. Nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động phụ trợ bảo hiểm có thời gian chuẩn bị để đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, khoản 3 Điều 3 của dự thảo Luật quy định việc chuyển tiếp như sau: “Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực, các tổ chức, cá nhân đang hoạt động phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng các quy định về điều kiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm theo quy định tại Luật này.”

* Đối với Luật Sở hữu trí tuệ: Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ tập trung quy định về sáng chế; chỉ dẫn địa lý; nhãn hiệu; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó dự thảo Luật đã bổ sung điều khoản chuyển tiếp về: Đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, thiết kế bố trí, chỉ dẫn địa lý; Thủ tục hủy bỏ hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý của các đơn; Thủ tục chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn; Các thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể

Công ước số 98 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể đã được Hội nghị toàn thể của ILO thông qua ngày 1/7/1949 và đã có 165/187 quốc gia thành viên của ILO tham gia. Việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).Công ước số 98 có 16 Điều, gồm ba nội dung cơ bản: (i) bảo vệ người lao động và cán bộ công đoàn trước hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; (ii) bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; (iii) những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.

Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh năm 2020; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019

Về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019

Theo dự thảo Nghị quyết, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 các dự án sau đây: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8); Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) (trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phiên họp tháng 12/2019).

Theo dự thảo Nghị quyết, điều chỉnh thời gian trình các dự án sau đây: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (lùi từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, thông qua tại kỳ họp thứ 9); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) (lùi từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai (lùi từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9). Đồng thời, đưa ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020

- Tại Kỳ họp thứ 9, trình Quốc hội thông qua các dự án Luật sau đây: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Các luật trình Quốc hội cho ý kiến bao gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

- Tại Kỳ họp thứ 10, trình Quốc hội thông qua các dự án Luật sau đây: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Các luật trình Quốc hội cho ý kiến bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật phòng, chống HIV/AIDS; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước