Sông Mekong là một trong những dòng sông lớn nhất và có lưu lượng nước lớn thứ 10 trên thế giới. Sông chảy qua địa phận 6 quốc gia, bắt nguồn từ Trung Quốc, qua Tây Tạng, Vân Nam của nước này, sau qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và cuối cùng là Việt Nam, kiến tạo ra vùng ĐBSCL phì nhiêu, sau đó đổ ra biển.
Mekong là một trong những dòng sông có hệ sinh thái đa dạng nhất thế giới, nguồn lợi thủy sản phong phú và có tiềm năng rất lớn về thủy điện, nhất là thượng nguồn được coi là tấm pin của khu vực này.
Hiện nay, trên dòng sông Mekong đã có hơn 10 công trình thủy điện đã hoàn thành, hơn 10 công trình khác đang xây và sắp xây ở các quốc gia phía thượng lưu. Vì vậy, các công trình này đã, đang và sẽ tác động lớn tới môi trường, dòng chảy của sông Mekong và ĐBSCL. Vựa lúa lớn của Việt Nam sẽ chịu tác động của mọi biến động này từ thượng lưu. Đây là lý do Việt Nam nhiều năm nay đã tích cực tham gia cơ chế phối hợp với các quốc gia trong lưu vực sông Mekong.
Thời gian qua, đã có những nguyên tắc về nguồn nước quốc tế được thừa nhận như Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong và Bộ Quy chế sử dụng nước của Ủy hội sông Mekong. Trong bối cảnh gia tăng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khô hạn vì El Nino, các quốc gia chung dòng sông Mekong càng phải thắt chặt hợp tác, để điều tiết nước một cách phù hợp nhất. Tuy nhiên, vì lợi ích của mỗi quốc gia có thể rất khác nhau nên việc thương thảo chắc chắn không phải là dễ dàng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!