"Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng của dân tộc"

Trung Kiên (Ban Thời sự)-Thứ ba, ngày 05/12/2017 20:47 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Dân trí)

VTV.vn - Đó là ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tới dự lễ khai mạc Hội thảo - Triển lãm quốc tế "Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017" sáng nay.

Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức cùng với tập đoàn IDG, nhằm đề xuất các giải pháp với Đảng, Quốc hội và Chính phủ trước khi có các quyết sách có tính căn cơ, tổng thể và dài hạn trước những tác động nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy Hà Nội đã cắt băng chính thức khai mạc triển lãm quốc tế "Phát triển công nghiệp thông minh". Đánh giá cao việc Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì tổ chức các sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cùng với hầu hết các nước phát triển và đang phát triển ở châu Á đưa ra những chiến lược phát triển kinh tế số, thúc đẩy công nghiệp thông minh, ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 16 về tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nhiều giải pháp quan trọng. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của việc tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, Chính phủ đã lường trước được cả những cơ hội và thách thức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vì thế Chính phủ coi hạ tầng thông tin là "hạ tầng của hạ tầng" của nền kinh tế số. Đồng thời phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số, biến lợi thế dân số vàng thành lợi thế về năng lực số. Phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam có trên 1 triệu nhân lực công nghệ số trình độ cao, đi cùng với phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời coi việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin phải trở thành yêu cầu bắt buộc trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định quan điểm của Chính phủ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đó là, doanh nghiệp phải vừa là trung tâm, vừa và động lực phát triển.

Đánh giá cao Hội thảo đã chọn 3 chủ đề chính để thảo luận, Thủ tướng đề nghị các chuyên gia, nhà quản lý và các nhà khoa học chỉ ra được 3 vấn đề "Việt Nam đang ở đâu?", Thế giới đang làm gì? Và Việt Nam cần làm gì để phát triển thành công nền kinh tế số, công nghiệp thông minh? Để từ đó, đề xuất, kiến nghị cụ thể về chiến lược, định hướng và giải pháp hiệu quả, khả thi về phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh ở Việt Nam thời gian tới.

Cùng quan điểm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng với đặc điểm của cuộc cách mạng 4.0 là sự kết nối trên nền tảng đổi mới sáng tạo, để đạt được thành công, chiến lược tổng thể của Việt Nam đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm và nỗ lực cao nhất vượt qua được những tư duy cũ và cách làm trước đây. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, trong lúc nhiều nước đã có chiến lược thúc đẩy công nghiệp 4.0, ở Việt Nam nhiều nơi còn áp dụng công nghiệp 3.0, 2.0 thậm chí là 1.0. Vì thế, đòi hỏi chiến lược phát triển công nghiệp 4.0 của riêng Việt Nam phải được thiết kế với lộ trình cụ thể, với bước đi phù hợp và khả thi. Trong đó, những ưu tiên quan trọng nhất là phải sớm có chiến lược chuyển đổi số quốc gia và đào tạo nguồn nhân lực.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước