Cần giải pháp khắc phục tình trạng chồng phí

Đình Hải-Thứ ba, ngày 15/01/2013 12:18 GMT+7

Lối rẽ trước trạm thu phí số 2, Quốc lộ 1A. Ảnh khai thác

Ngay sau khi Bản tin Tài chính kinh doanh phát sóng phóng sự phản ánh tình trạng chồng chéo thu phí giao thông đường bộ, đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhiều người dân và các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, Nhà nước nước cần sớm có chính sách cụ thể  khắc phục tình trạng chồng phí tại các trạm nhượng quyền thu phí đường bộ trước đó nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Hàng chục ngày nay, nhân viên Trạm thu phí số 2 Phù Đổng, Hà Nội đã phải trả lời vài trăm câu hỏi và những bức xúc hàng ngày của người tham gia giao thông về sự tồn tại của trạm thu phí này khi đã nộp quỹ bảo trì đường bộ, nhưng vẫn phải mua vé cầu đường khi đi qua. Thậm chí đã xảy ra xung đột giữa người điều khiển phương tiện và nhân viên trạm thu phí.

Anh Hoàng Cao Khanh, Trạm Phó trạm thu phí số 2 Phù Đổng, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi bức xúc vì người dân đến đây người ta bảo trạm thu phí này bỏ rồi, phải mở để đi. Đương nhiên việc này chúng tôi không thể làm được vì đến nay chưa có quyết định nào đến chúng tôi cả. Ở đây từng ách tắc cả tiếng đồng hồ để giải thích cho người dân hiểu”.

Người được nhượng quyền thu phí thì muốn tiếp tục, người dân thì muốn bỏ, sự chồng chéo này gây bức xúc cho cả hai bên. Tại buổi làm việc mới đây, Công ty Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng cho biết, tháng 4/2010, doanh nghiệp này đã tham gia đấu thầu quyền thu phí đường bộ trạm thu phí số 2 Phù Đổng với số tiền hơn 361 tỷ đồng và được Bộ GTVT cho phép thu phí trong thời gian 57 tháng. Tuy nhiên thời điểm quỹ bảo trì đường bộ hoạt động thì hoạt động của trạm thu phí này bế tắc, cả hai giải pháp mà Bộ GTVT đưa ra là Nhà nước mua lại quyền thu phí hoặc kiến nghị cho phép thực hiện hết hợp đồng, doanh nghiệp này đều chấp thuận. Vấn đề quan tâm hiện nay là bao giờ giải pháp này sẽ được triển khai và kế hoạch xử lý hàng chục vạn vé lượt đã in và hàng nghìn vé tháng, vé quý đã bán cho các phương tiện trước đó như thế nào.

Ông Trần Mạnh Thắng, PGĐ Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng bức xúc: “Theo như quy định thì chúng tôi phải hủy bỏ vé đã in, mặc dù nó không lớn so với 360 tỷ đồng đấu thầu quyền thu phí trạm này trong thời hạn 57 tháng. Nhưng chúng tôi kiến nghị là lấy nguồn kinh phí như thế nào và những tồn tại khi dỡ bỏ trạm thu phí được giải quyết ra sao”.

Là người theo sát diễn biến về vấn đề bán quyền thu phí đường bộ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đây là hai chủ thể hợp đồng được pháp luật công nhận, vì thế cần có cách giải quyết thấu tình, đạt lý. “Chúng ta thấy vấn đề có tính bất khả kháng và rủi ro chính sách khi cấp dưới thực hiện các quyết định của cấp trên, nên ở đây không đặt nặng vấn đề xử lý mang tính chất pháp lý cao, mà nên có sự thương lượng về mặt quyền và lợi ích giữa những người đã nhận ủy thác. Cơ quan nhận ủy thác nên có sự điều chỉnh để giảm bớt thiệt hại họ phải gánh chịu”, ông Nguyễn Minh Phong nói.

Cả nước hiện có 4 trạm thu phí nằm trên các tuyến quốc lộ huyết mạch được Bộ GTVT đấu thầu nhượng quyền cho các doanh nghiệp thu phí với số tiền hàng nghìn tỷ đồng ngân sách. Nhanh chóng thực hiện giải pháp để xử lý dứt điểm các trạm thu phí nhượng quyền đang là mong mỏi của nhiều người dân và doanh nghiệp đối với các cơ quan chức năng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước