Cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng trước khi nghĩ đến giao thông thông minh

Thùy An-Thứ tư, ngày 17/05/2017 06:34 GMT+7

VTV.vn - Đây là ý kiến của chuyên gia giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thủy trước những câu hỏi về việc áp dụng những công nghệ thông minh vào hệ thống giao thông tại Hà Nội.

Bắt đầu từ ngày 1/5, Hà Nội thí điểm mô hình giữ xe ô tô qua ứng dụng Iparking tại 2 tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Tổng số điểm đỗ xe ô tô trên 2 tuyến phố thí điểm là 17 điểm với sức chứa 248 xe. Trong đó, 16 điểm đỗ cho phép đỗ xe từ 6h - 22h hàng ngày, 7 ngày/tuần và 1 điểm đỗ cho phép đỗ xe 24/24h.

Ứng dụng Iparking khi triển khai trên thực tế đã thể hiện khá nhiều ưu điểm như: Người gửi xe có thể biết được bãi gửi xe nào còn chỗ trống, hay việc thanh toán qua thẻ tín dụng hay tin nhắn giúp công khai, minh bạch hơn...

Cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng trước khi nghĩ đến giao thông thông minh - Ảnh 1.

Bắt đầu từ ngày 1/5, Hà Nội thí điểm mô hình giữ xe ô tô qua ứng dụng Iparking tại 2 tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm

Từ ứng dụng Iparking đã có nhiều quan điểm cho rằng các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM nên sớm tích hợp thêm nhiều tính năng công nghệ cao, qua đó hướng tới một hệ thống giao thông thông minh để có thể giải quyết những vấn đề đang gặp phải như: Ùn tắc, tai nạn giao thông...

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng với cơ sở hạ tầng hiện tại, nếu áp dụng các công nghệ cao vào hệ thống giao thông sẽ không phát huy được tối đa hiệu quả và có thể gây lãng phí về tiền bạc.

Để có cái nhìn rõ hơn về việc áp dụng công nghệ cao vào hệ thống giao thông, hay xa hơn là mục tiêu về một hệ thống giao thông thông minh cho những thành phố lớn tại Việt Nam, Báo điện tử VTV News đã có cuộc phóng vấn chuyên gia giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thủy.

Việc thí điểm ứng dụng trông giữ xe thông minh vừa qua có phải là một bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề liên quan đến giao thông, mà cụ thể ở đây là vấn đề trông giữ xe. Điều này sẽ giải quyết được bài toán nan giải về trông giữ xe mà Hà Nội gặp phải trong thời gian qua?

Việc thí điểm trông giữ xe thông minh qua ứng dụng Iparking là một động thái rất đáng hoan nghênh từ phía các nhà quản lý trong nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến giao thông, mà cụ thể ở đây là vấn đề đỗ xe. Cụ thể, với ứng dụng Iparking, người dân có thể gửi xe nhanh hơn, thuận tiện hơn khi biết bãi xe nào còn chỗ trống.

Tuy nhiên khó có thể nói rằng, ứng dụng Iparking là một bước tiến lớn trong việc áp dụng công nghệ vào hệ thống thống giao thông, cũng như sẽ giải quyết được bài toán trông giữ xe mà Hà Nội gặp phải trong nhiều năm trở lại đây.

Cụ thể việc trông giữ xe qua ứng dụng Iparking chỉ giải quyết một vấn đề nối kết giữa người gửi xe và người trông xe, trong khi hoàn toàn không có mối liên hệ nào đến yếu tố hạ tầng. Hiện Hà Nội chưa có bất cứ một gara trông giữ xe lớn nào, việc gửi xe gần như chỉ là tận dụng vỉa hè, một phần lòng đường. Do đó việc áp dụng gửi xe qua điện thoại chỉ phần ngọn của bài toán trông giữ xe.

Cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng trước khi nghĩ đến giao thông thông minh - Ảnh 2.

Để giải quyết vấn đề trông giữ xe, chuyên gia giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thủy cho biết Hà Nội cần có một kế hoạch dài hơi và rõ ràng

Để giải quyết rốt ráo bài toán trông giữ xe, Hà Nội cần có một kế hoạch dài hơi trong đó cần phải có những chính sách rõ ràng và ưu tiên cho những công ty, cá nhân để mở các điểm trông giữ xe lớn. Ví dụ có thể giảm thuế đất, giảm lãi vay ngân hàng... để tạo điều kiện xây dựng những gara lớn ngầm cũng như trên cao. Từ đó mới có thể giải quyết được vấn đề trông giữ xe với số lượng lên đến 1 – 1,5 triệu xe trong tương lai không xa tại Hà Nội.

Trở lại với vấn đề về việc áp dụng cộng nghệ trong giao thông, một hệ thống giao thông thông minh có thể mang lại những lợi ích gì?

Hệ thống giao thông thông minh là việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ, bao gồm các thiết bị cảm biến, điều khiển, điện tử, tin học và viễn thông trong lĩnh vực giao thông để điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải.

Trên thực tế, giao thông thông minh có thể tạo ra nhữmg "đại lộ xanh" tức dùng camera, cảm biến để tạo ra các tuyến đường xe đi không phải dừng, tự động bật đèn xanh để xe đi... Đây là một giải pháp giúp các đại lộ lớn thông suốt, không gây ùn tắc.

Ngoài ra, giao thông thông minh cũng có thể tạo ra các biển báo thông minh ở các ngã tư. Cụ thể, nhờ vào sự kết nối giữa hệ thống camera và trung tâm điều khiển, các biển báo có thể thu được những thông tin về nơi nào ùn tắc, nơi nào không ùn tắc... rồi thông báo cho người tham gia giao thông.

Cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng trước khi nghĩ đến giao thông thông minh - Ảnh 3.

Hệ thống giao thông thông minh giúp quản lý và điều khiển các phương tiện đồng bộ, hiệu quả hơn (Ảnh minh họa)

Tựu chung lại bản chất của giao thông thông minh là kết nối giữa con người, phương tiện tham gia giao thông, cơ sở hạ tầng giao thông (gồm có: đường sá, cầu cống, phương tiện công cộng...)

Hệ thống giao thông thông minh có thể giúp giải quyết những vấn đề mà một hệ thống giao thông truyền thống khó có thể làm được như: Xử lý khẩn cấp các sự cố giao thông; giảm tai nạn, ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường; Tiết kiệm thời gian, tiền bạc và nhiên liệu, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa...

Đây là thời điểm chín muồi để Hà Nội cho thực hiện một hệ thống giao thông thông minh?

Như tôi đã nói ở trên, cơ sở hạ tầng là một yếu tố không thể thiếu trong một hệ thống giao thông thông minh. Đơn cử như hàng loạt các tuyến đường đồng loạt ùn tắc trong những giờ cao điểm thì hệ thống giao thông thông minh "trời" cũng khó có thể phát huy được tác dụng.

Công nghệ thông tin phải luôn đi liền với phương tiện và hạ tầng, nếu tách riêng và tạo ra những thành phố thông minh trong khi hạ tầng quá yếu kém chắc chắn hiệu quả sẽ thấp. Điều quan trọng là phải đảm bảo tính tương thích, tương xứng giữa công nghệ và cơ sở hạ tầng, mới có thể phát huy được tối đa những lợi ích mà một hệ thống giao thông thông minh có thể tạo ra.

Cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng trước khi nghĩ đến giao thông thông minh - Ảnh 4.

Theo chuyên gia giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thủy, thành phố nào xảy ra tình trạng ùn tắc thì một hệ thống giao thông thông minh chắc chắn sẽ khó có thể phát huy tối đa hiệu quả

Việc lạm dụng các công nghệ vào hệ thống giao thông trong khi cơ sở hạ tầng chưa tương xứng còn có thể gây ra sự lãng phí về tiền bạc.

Việc phát triển những loại phương tiện công cộng cũng là một điểm Hà Nội cần đặc biệt chú ý trước khi quyết định đưa các công nghệ vào hệ thống giao thông. Giao thông công cộng không chỉ là vài nghìn chiếc xe bus. Loại phương tiện này chỉ thuận tiện ở những thành phố 30 – 40 vạn dân trở xuống. Đến hơn 50 vạn dân, các thành phố đã cần phải nghĩ đến việc xây dựng các loại phương tiện công cộng khác như: Tàu điện trên cao, tàu điện ngầm...

Và nếu thành phố nào còn thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, thì chắc chắn một hệ thống giao thông thông minh sẽ khó có thể phát huy hiệu quả một cách tối đa.

Với Hà Nội, tôi nghĩ các cấp quản lý cần căn cứ vào hiện trạng cơ sở hạ tầng hiện tại từ đó xây dựng một kế hoạch phù hợp trong việc áp dụng, triển khai những công nghệ vào hệ thống giao thông, qua đó mới có thể đạt hiệu quả cao nhất.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước