Tuổi hưu của cả nam và nữ sẽ tăng lên bắt đầu từ 3 năm tới. Hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố có 2 phương án tăng và sẽ trình Hội nghị Trung ương 7 trong vài ngày tới. Tăng tuổi hưu là câu chuyện liên quan đến người người, nhà nhà nên đề xuất này rõ ràng không tránh khỏi những dư luận trái chiều. Mấu chốt này xuất phát từ việc hiện tuổi nghề và tuổi hưu đang bị đánh đồng trong khi mỗi nghề lại có đặc thù khác nhau.
Theo đó, không chỉ các ngành nghề lao động chân tay mà ở cả những ngành nghề yêu cầu trình độ cao, tuổi nghề của người lao động cũng khá ngắn. Theo một điều tra xã hội học, các lập trình viên chỉ có tuổi nghề trung bình khoảng 35 tuổi, qua độ tuổi này thường gặp áp lực rất lớn về trí não. Nghề phi công được khuyến cáo dưới 55 tuổi. Đối với nghề phóng viên, độ tuổi hoạt động trung bình cũng dưới 50.
Điều này cho thấy, có rất nhiều ngành nghề đòi hỏi cường độ làm việc cao mà không phải ai cũng đủ sức khoẻ và tinh thần để làm đến độ tuổi nghỉ hưu hiện hành, chưa nói đến việc tăng lên. Việc chưa phân biệt tuổi hưu và tuổi nghề đã gây phát sinh nhiều ý kiến trái chiều mà mỗi quan điểm đều có cái lý của mình.
Trong khi có những ngành nghề làm việc cường độ cao, nhiều áp lực, cũng có những ngành nghề mà càng theo đuổi lâu càng có kinh nghiệm và mang lại hiệu quả cho công việc như: cán bộ dân vận, nhà nghiên cứu, quản lý. Bên cạnh đó, tuổi thọ và chất lượng sống của người Việt cũng đã tăng so với giai đoạn trước. Chính vì vậy, việc tăng tuổi hưu để người lao động, đặc biệt là lao động nữ, cống hiến và có thêm cơ hội thăng tiến ở một khía cạnh khác là điều đáng hoan nghênh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.