Câu chuyện video hành xử không đúng mực của cán bộ "gây bão" trên mạng xã hội?

Báo chí toàn cảnh-Chủ nhật, ngày 23/07/2017 10:21 GMT+7

VTV.vn - Những video ghi lại cách hành xử không đúng mực của cán bộ đã "gây bão" trên mạng xã hội tuần qua.

Những ngày vừa qua, trùng với thời gian cơn bão số 2 của tự nhiên thì có một "cơn bão" khác cũng gây thiệt hại khó đong đếm. Đó là việc các video clip được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, ghi lại cách hành xử không phù hợp của các cán bộ. 

Trong đó có việc Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) đỗ xe ngay đầu ngã ba đường dẫn đến cự cãi với người dân và được cho là đã "điều Chủ tịch phường và Công an phường" ra xử lý vụ này. Trên tất cả các mặt báo in, hay trên các trang báo mạng, khó lòng mà tìm thấy một ý kiến nào bênh vực cho những hành vi này.

Tờ Pháp luật Việt Nam gọi đây là "Những vụ ầm ĩ không đáng có". Việc cán bộ có địa vị trong xã hội lại có những hành xử như vậy là không thể chấp nhận được, cho dù nguyên nhân từ đâu. Sự việc bà Phó Chủ tịch quận đi ăn bún sẽ không bị đẩy lên cao như thế, nếu không có cú điện thoại của bà và sự xuất hiện của ông Chủ tịch phường cùng Thanh tra phường. Tờ báo cho rằng, rõ ràng những cán bộ trong trường hợp này đã không làm chủ được mình, mà không làm chủ được mình thì không nên làm cán bộ.

Câu chuyện video hành xử không đúng mực của cán bộ gây bão trên mạng xã hội? - Ảnh 1.

Bài viết về video gây bão trên báo Pháp luật

Có lẽ các nhân vật trong các clip đó khó có thể ngờ rằng cách ứng xử có tính nhất thời của mình, dù chỉ xuất phát từ những sự việc tưởng chừng hết sức đơn giản, lại trở thành tâm điểm của dư luận xã hội những ngày qua với nhiều ý kiến trái chiều. Đặc biệt với những người là cán bộ, công chức, người có địa vị hay người của công chúng thì những hành vi, ứng xử không đẹp, không đúng chuẩn mực sẽ nhanh chóng trở thành câu chuyện bàn tán, phê phán mạnh trên mạng, rồi báo chí vào cuộc.

Tờ Thanh Niên, đưa ra nhiều từ "nếu". Nếu khi bị chủ quán cà phê phản ứng, bà phó chủ tịch quận và bạn lên xe tìm một chỗ khác để đỗ cho phù hợp, hoặc có đôi lời với những người đó thì đồ rằng có đến 99% khả năng vụ việc được bỏ qua hoặc trở nên cực kỳ đơn giản. Sau vụ việc này, dù nhân vật chính có đưa ra nhiều lý do để thanh minh, thì dư luận vẫn không chấp nhận. 

Câu chuyện video hành xử không đúng mực của cán bộ gây bão trên mạng xã hội? - Ảnh 2.

Tờ Thanh Niên, đưa ra nhiều từ nếu trong bài viết

Hồi tháng 3, câu chuyện một Phó giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận bẻ hoa anh đào lan truyền trên mạng xã hội. Khi người có ý thức can ngăn thì bị bà hỏi lại: "Em là ai mà có quyền nói chị vậy?". Và bà Phó giám đốc cũng đã gánh hậu quả nặng nề.

Quanh những lùm xùm liên quan đến Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Mai Trang, Thường trực Quận ủy đã yêu cầu bà Trang và những người liên quan nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm. Đồng thời, chỉ đạo quán triệt, xem đây là bài học kinh nghiệm cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của quận Thanh Xuân.

Vụ việc mới nhất gần đây, hay trước đó là vụ bà Phó Giám đốc Sở ở Bình Thuận bẻ hoa, hoặc một họa sỹ dùng bút xóa để vẽ đầy lên xe ô tô đỗ trước nhà mình, hoặc vụ một bác sỹ có tên tuổi đập kính xe ô tô người khác khi chiếc xe này đỗ chắn cửa nhà mình cũng bị đưa lên mạng xã hội và gây ra những thiệt hại nặng nề cho người trong cuộc.

Câu chuyện video hành xử không đúng mực của cán bộ gây bão trên mạng xã hội? - Ảnh 3.

Tờ Tiền phong cũng có những bài viết xung quanh chủ đề này

Rõ ràng, trong xã hội ngày càng phát triển, với sự giám sát chặt chẽ từ thiết bị công nghệ hiện đại, mỗi một công dân, đặc biệt là cán bộ, công chức càng phải cẩn trọng trong mỗi hành vi ứng xử, biết cách điều chỉnh hành động đúng với chuẩn mực chung.

Theo tiến sỹ Trịnh Hòa Bình, những người trong cuộc không thể trách mạng xã hội được. Trong xã hội ngày càng phát triển nếu không phải là mạng xã hội thì cũng sẽ có những hình thức khác để giám sát hành động, cách ứng xử của mỗi cá nhân tại nơi công cộng.

Một điều quan trọng nữa trong vụ việc mà tờ Tiền Phong nhắc tới, đó là tính chất nêu gương: Nếu những cán bộ có cư xử đúng mực trên tinh thần thượng tôn pháp luật, hẳn sẽ có tác dụng nêu gương rất tốt trong dân chúng.

Câu chuyện video hành xử không đúng mực của cán bộ gây bão trên mạng xã hội? - Ảnh 4.

Bài viết trên báo Nông thôn ngày nay

Ngược lại, là những cán bộ, thậm chí từng tham gia xây dựng luật pháp, mà không gương mẫu chấp hành pháp luật, có lời lẽ lăng mạ người thi hành công vụ, chắc chắn sẽ để lại hình ảnh rất xấu trong lòng công chúng. Đã làm quan là phải hơn dân, ít nhất là ở giữa chốn thanh thiên bạch nhật.

Tờ Nông thôn ngày nay nhắc lại câu chuyện của Thủ tướng Campuchia một năm trước khi ông bị 1 trung úy CSGT của 1 huyện xử phạt 3,75 USD vì lái xe máy không có mũ bảo hiểm. Vị Thủ tướng cho biết: Mặc dù đã công khai xin lỗi, cảnh sát vẫn phải phạt tôi vì tôi đã phạm luật. Tôi đanh giá cao cảnh sát huyện vì đã thực thi pháp luật mà không phân biệt đối xử, cũng như không e ngại những người có quyền lực, kể cả Thủ tướng.

Câu chuyện video hành xử không đúng mực của cán bộ gây bão trên mạng xã hội? - Ảnh 5.

Các bài báo đi sâu phân tích chủ đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau

Và cũng ngay ở Việt Nam khi mạng xã hội phản ánh đoàn xe của Thủ tướng đi vào đường cấm ở Hội An cách đây gần một năm, mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không hề biết chuyện đó, vì ông đi bộ cách rất xa đoàn xe nhưng nhưng ông cho rằng khuyết điểm đó vẫn có trách nhiệm của Thủ tướng và đứng ra xin lỗi.

Hai câu chuyện khác nhau, nhưng có lẽ đây đều là những việc mà các cán bộ công chức nên học, bởi lẽ chỉ có cách ứng xử văn minh mới làm nên những con người văn minh.

Hà Nội xử lý cán bộ hành chính gây phiền hà người dân Hà Nội xử lý cán bộ hành chính gây phiền hà người dân

VTV.vn - Liên quan đến thông tin văn phòng một cửa nhưng mỗi nơi thực hiện một kiểu mà Bản tin Thời sự phản ánh, quận Tây Hồ, Hà Nội đã tổ chức thanh tra công vụ để làm rõ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước