Mọi công việc chuẩn bị cho chuyến biển đã xong nhưng tàu cá vẫn neo bờ do chưa có đủ lao động để đi biển, chủ tàu đứng ngồi không yên. Họ đã ngược xuôi tìm kiếm nhưng may mắn lắm mỗi tàu cá mới có đủ 8 - 10 lao động. Nhiều trường hợp dù thiếu hụt lao động, chỉ có từ 5 - 6 người nhưng vẫn phải mở biển.
Nhiều chủ tàu cá cho rằng việc xoay xở chi phí 100 triệu đồng cho chuyến biển còn dễ hơn chuyện tìm lao động. Nắm bắt thực tế này, những lao động đi biển liên tục đưa ra yêu cầu, trong đó điều đầu tiên là buộc các chủ tàu phải đưa tiền trước cho người lao động được thuê. Số tiền ứng trước dao động từ 3 - 5 triệu đồng. Tuy nhiên, đến ngày mở biển, tiền cọc đã đưa mà lao động lại chẳng thấy.
Việc chủ tàu bị lừa khi thuê lao động đi biển không phải là chuyện mới. Thậm chí, hiện tượng này diễn ra ngày càng thường xuyên. Chủ tàu cá nào cũng biết nhưng hầu như ai cũng phải chấp nhận bởi nếu không làm vậy thì khó có đủ lao động. Họ xem việc đặt tiền cọc thuê lao động đi biển như chuyện may rủi trước mỗi chuyến biển.
Ba tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định đứng đầu cả nước về khai thác cá ngừ đại dương với 3.000 tàu cá, nhu cầu lao động trên biển khoảng 30.000 người. Dự báo, nhiều vấn đề sẽ phát sinh khi vùng biển thiếu lao động đi biển. Trong đó, chuyện chủ tàu bị lừa tiền khi thuê lao động sẽ càng trở nên nổi cộm và điều nghịch lý là các chủ tàu cá vẫn phải chấp nhận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!