Bên lề phiên họp Quốc hội, ông Nguyễn Văn Rinh bình luận: Đây là kết quả nghiên cứu rất quan trọng, là cơ sở khoa học để phản bác lại những phán quyết của Tòa án Mỹ trước đây rằng: Chất da cam hay thuốc diệt cỏ mà quân đội Mỹ từng phun rải ở Việt Nam không phải là chất độc và không gây ung thư.
Kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Mark Garzotto và đồng nghiệp được thực hiện trên mẫu tuyến tiền liệt của hơn 2.700 cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, theo đó, gần 900 người (tương đương 33%) được phát hiện có bệnh ung thư, trong số này có nhiều trường hợp thuộc loại nguy hiểm nhất.
Công trình nghiên cứu cũng xác nhận, việc tiếp xúc với chất da cam sẽ có thể làm tăng thêm 52% nguy cơ bị ung thư và có tới 75% có nguy cơ mắc u bướu ác tính.
Nhiều tờ báo và các hãng truyền thông lớn ở Mỹ như CBS News, Reuters dẫn lời chuyên gia giải phẫu David Samadi, tuy không thuộc nhóm nghiên cứu của Trung tâm Y tế cựu chiến binh Mỹ nói rằng: Thời gian và mức độ tiếp xúc với dioxin có thể làm thay đổi ADN và đẩy tế bào vào những chu kỳ phát triển khác biệt sinh ra tế bào ung thư.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) cho biết: “Thông tin quan trọng của phía Mỹ là chất da cam gây ung thư tiền liệt tuyến, chúng tôi thấy có cơ sở để buộc các công ty hóa chất Mỹ phải bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam. Chúng tôi đang chuẩn bị cơ sở pháp lý để chuẩn bị vụ kiện mới, đây hoàn toàn là vụ kiện dân sự của các nạn nhân sống gần các điểm nóng, hàng ngày phải tiếp xúc với không khí, nước, thực phẩm gây phiền hà, lo lắng cho họ”.
Khác với những vụ kiện trước đó, nguyên đơn là các nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chất da cam/dioxin thì trong vụ kiện sắp tới, nạn nhân là những người thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba, trong đó có phụ nữ và trẻ em đang sống tại các điểm nóng quanh khu vực sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa và sân bay Phù Cát của tỉnh Bình Định.
Cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã kết thúc gần 40 năm, nhưng sự tàn phá khủng khiếp từ hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ có chứa dioxin đã làm hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp. Cùng với đó, chất dioxin đã phá hủy hệ sinh thái và đã nhiễm sâu vào đất, nước, thực phẩm, gây ung thư và dị tật bẩm sinh ở người.
Một dự án hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ để tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng đã được triển khai, nhưng phía Hoa Kỳ vẫn không công nhận ung thư và dị tật bẩm sinh là do chất độc này gây ra.