Trước phản ánh bệnh viện Xanh Pôn có tình trạng chẻ đôi que thử và trộn 4 mẫu máu trong xét nghiệm, GS Nguyễn Ánh Trí - Nguyên Giám đốc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương nhận định những hành động này là sai sót quá rõ ràng, gây ra hậu quả nghiêm trọng về mặt chuyên môn. Trước khi cho ra đời một que test, nhà sản xuất đã tính toán về mọi mặt như chiều rộng, sâu, dài và trải qua các thử nghiệm khắt khe. Từ đó mới có thể đưa ra thông số và phát hiện chính xác kháng nguyên.
Đối với trường hợp que thử bị chẻ đôi, nếu nhân viên y tế nếu không thực hiện đúng theo quy định của nhà sản xuất sẽ dẫn đến tình trạng nồng độ hoá chất thấp, hay bỏ sót kháng nguyên, gây hiện tượng âm tính giả. Nghiêm trọng hơn là bệnh nhân nhiễm bệnh nhưng kết quả vẫn cho âm tính.
Nếu cả chẻ đôi que thử và trộn 4 mẫu máu cùng phối hợp với nhau thì hậu quả càng nghiêm trọng khi để lọt các trường hợp bị nhiễm bệnh. Trộn 4 mẫu máu gây hiện tượng các kháng nguyên bị pha loãng. Vì vậy, rất nhiều người nhiễm bệnh nhưng do nồng độ để phát hiện bệnh không đủ dẫn tới tình trạng âm tính giả.
Giáo sư Trí cũng cho rằng, Bệnh viện Xanh Pôn buông lỏng quản lý chất lượng về mua sắm trang thiết bị test kit, sử dụng bộ test kit, kiểm tra, đánh giá quy trình xét nghiệm, trả kết quả cho bệnh nhân nên mới để xảy ra hậu quả trên.
Trong phóng sự của VTV, việc chẻ dọc que thử và trộn mẫu máu trong xét nghiệm xảy ra hàng ngày tại bệnh viện. Như vậy chứng tỏ công tác huấn luyện, đào tạo cho cán bộ nhân viên về kỹ thuật, đặc biệt là ý thức về chất lượng xét nghiệm bị buông thả. Chuyện này rất dễ xảy ra ở những cá nhân tham lam, hám lợi. Vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Xanh Pôn là bài học cảnh tỉnh cho tất cả các cơ sở y tế trên cả nước.
GS Trí nhận định, lãnh đạo Bệnh viện Xanh Pôn cần nhanh chóng kiểm tra lại tất cả các quy trình từ trước tới nay xem có bao nhiêu người từng xét nghiệm "thử nghiệm" rồi sau đó mời họ đến xét nghiệm lại bằng quy trình test kit chuẩn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!