Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam.
Sau thời gian tích cực điều tra, đến nay các cơ quan chức năng của Việt Nam đã chính thức xác định, tàu Sunrise 689 bị cướp biển bắt giữ. Phóng viên VTV4 đã có buổi phỏng vấn với Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam để có góc nhìn rõ hơn về sự việc này.
Vừa qua, an ninh hàng hải Việt Nam đã xảy ra sự kiện được dư luận quan tâm, đó là việc tàu Sunrise 689 đã bị cướp biển tấn công. Thiếu tướng có thể cho khán giả trong và ngoài nước biết kết quả điều tra cho đến thời điểm này?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương: Cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ ban đầu và xác định đây là vụ cướp biển đối với tàu Sunrise 689. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã bàn giao toàn bộ hồ sơ, con người và tàu Sunrise 689 cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để thực hiện các thủ tục theo chức năng, nhiệm vụ.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc từ lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ đội Biên phòng, tài liệu từ Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45), Bộ Công an đã tiến hành thu thập các chứng cứ theo Bộ Luật tố tụng hình sự. Theo cơ quan điều tra của Bộ Công an, căn cứ tài liệu điều tra ban đầu, có đủ căn cứ để xác định, tàu Sunrise 689 bị cướp ở vùng biển quốc tế trên tuyến hành trình.
Việt Nam đã ký Công ước về chống cướp biển khu vực Đông Nam Á và châu Á, vậy Việt Nam sẽ phối hợp như thế nào với các nước trong việc phòng ngừa cướp biển trong tương lai?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương: Hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á đều là thành viên của Hiệp định khu vực về “Chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á” trong đó đầu mối Trung tâm chia sẻ thông tin chống cướp biển và cướp có vũ trang trên biển khu vực châu Á (ReCAAP-ISC) có trụ sở đặt tại Singapore.
Đối với Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, với chức năng là lực lượng chuyên trách của Nhà nước trong đảm bảo an ninh, an toàn trên biển, thời gian tới chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Trung tâm chia sẻ thông tin về cướp biển và cướp có vũ trang trên biển khu vực châu Á; lực lượng thực thi pháp luật của các nước tham gia Hiệp định chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á, với Cục Hàng hải Quốc tế và Cảnh sát biển các nước khu vực ASEAN trong việc chia sẻ thông tin và giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn hàng hải. Cùng với công tác tuyên truyền, chúng tôi sẽ tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát ở vùng biển xa, nhất là những khu vực có thể xảy ra cướp biển và cướp có vũ trang trên biển để tạo môi trường hòa bình, an ninh, an toàn tốt nhất cho ngư dân và tàu thuyền qua lại khu vực này.
Đây không phải lần đầu tiên bà con ngư dân và tàu thuyền của Việt Nam gặp cướp biển, vậy Thiếu tướng có lời khuyên gì đối với bà con ngư dân khi gặp sự cố như vừa qua?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương: Trước hết, bà con ngư dân và tàu thuyền cần nâng cao tinh thần cảnh giác, có các kế hoạch an ninh tàu biển và biện pháp cụ thể khi xảy ra cướp biển. Tiếp đó, tàu thuyền khi qua những vùng biển có nguy cơ cao bị cướp biển tấn công cần thành lập đội nhóm, tăng cường quan sát, phát hiện từ xa các hành động, phương tiện có dấu hiệu khả nghi là cướp biển. Các tàu thuyền cần đảm bảo tốt trang thiết bị, nhất là hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống phát tín hiệu cứu nạn để kịp thời thông tin, thông báo cho các cơ quan chức năng khi xảy ra cướp biển.
Lời khuyên tiếp theo là: Các tàu thuyền qua khu vực này phải thường xuyên liên hệ với Lực lượng chức năng bản địa để nhận được hướng dẫn, chỉ đường; tổ chức kíp trực đầy đủ; nếu tình huống bị cướp biển tiếp cận hoặc tấn công thì nhanh chóng phát tín hiệu cho cơ quan chức năng, nhanh chóng liên lạc với lực lượng quản lý biển nước sở tại. Đồng thời tìm cách chống đỡ và thoát khỏi cướp biển.
Xin cảm ơn Thiếu tướng đã dành thời gian tham gia cuộc trao đổi!.