Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc khiến hàng xuất xứ Trung Quốc vào thị trường Mỹ và các thị trường khác gặp khó khăn. Vì thế, có hiện tượng các doanh nghiệp mở nhà xưởng tại Việt Nam, nhập khẩu các sản phẩm, bán thành phẩm từ Trung Quốc và các nước khác rồi sơ chế tại nước ta. Điều này khiến Việt Nam nằm trong nguy cơ bị các nước gia tăng áp thuế nếu phát hiện giả mạo nguồn gốc xuất xứ.
Nhìn nhận một cách tích cực từ những vụ gian lận thương mại đấy thì có thể rút ra một điều rằng, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã phần nào thành công trong việc vận động cá nhân, tổ chức dành sự ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam thay vì sử dụng hàng nhập khẩu chỉ có chất lượng ngang bằng, thậm chí là kém hơn.
Cùng với việc thay đổi tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng, thì cuộc vận động "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" còn giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước tự thay đổi, chú trong hơn đến chất lượng, mẫu mã, giá thành sản phẩm và quan trọng hơn cả, nắm bắt được thị hiếu của người dùng.
Nhưng bên cạnh những doanh nghiệp nỗ lực kinh doanh, thay đổi để phục vụ tốt hơn vì người tiêu dùng thì có những doanh nghiệp lại lợi dụng tâm lý ưu tiên hàng Việt để lừa đảo, gian lận xuất xứ hàng hóa. Như tờ Đầu tư đã chỉ rõ nhiều vụ việc cơ quan chức năng phải ngăn chặn hàng nhập khẩu đội lốt hàng Việt.
Theo tờ Lao Động, việc đưa ra một khái niệm, một quy định về made in Vietnam ngay lúc này là rất cấp bách không những nó tránh được những trường hợp "oan sai" trong kinh tế cho các doanh nghiệp mà còn bảo vệ, còn làm tăng giá trị hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại ngày càng khốc liệt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!