Hình ảnh tại buổi họp tại Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam chiều nay (15/5)
Liên quan đến vụ việc người dân trên địa bàn xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam "tố" chủ đầu tư dự án cung cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn thu chi không minh bạch, sai quy định xung quanh khoản tiền phí lắp đặt đồng hồ đo nước, chiều nay, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam đã tổ chức họp để làm rõ các vấn đề VTV đã phản ánh. Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn cùng đại diện Chi cục thủy lợi, UBND huyện Thanh Liêm, UBND xã Thanh Tâm, xã Liêm Sơn, đại diện chủ đầu tư và nhiều hộ dân.
Thu phí lắp đặt đồng hồ đo nước với giá "cắt cổ"
Tại buổi họp, rất nhiều ý kiến của các hộ dân trên địa bàn xã Thanh Tâm cho rằng, việc thu phí lắp đặt đồng hồ nước với mức giá 3,5 triệu đồng là quá cao so với khả năng chi trả của người dân. Đồng thời, mức tiền lắp đặt đồng hồ được công ty phát giá - còn leo thang từng ngày, gây bức xúc và theo người dân, đó là điều vô lý nhất. Vì 3,5 triệu đồng chỉ là mức chi phí trong năm 2019. Còn từ đầu năm 2020, chi phí này đã được nâng lên 3 triệu 950 nghìn đồng. Nếu hộ dân nào không lắp đặt, chi phí kể từ sau tháng 5 có thể còn tiếp tục tăng lên nữa. Trước thực tế đó, đại diện người dân có nhu cầu đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam đứng ra làm trọng tài trong việc thống nhất giá lắp đặt đồng hồ.
Ông Vũ Đức Định, Phó Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Minh Anh trả lời người dân tại cuộc họp
Trước thắc mắc của người dân và câu hỏi của phóng viên về việc minh bạch khoản thu gần 4 triệu đồng tiền phí lắp đặt đồng hồ đo nước với mỗi trường hợp người dân, ông Vũ Đức Định, Phó Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Minh Anh đã công bố phương án giá lắp đặt. Cụ thể như sau: Đồng hồ cấp nước xuất xứ Tây Ban Nha có giá 1,1 triệu đồng; hộp đồng hồ giá 200.000 đồng; đai D5 giá 120.000 đồng; van có giá 1,75 triệu đồng; rắc- co hai đầu có giá 120.000 đồng; van khóa 70.000 đồng; mạng đường ống cấp 3 là 1 triệu 246 nghìn đồng; băng tan 10.000 đồng; vật tư khác 100.000 đồng; chi phí nhân công lắp đặt 300.000 đồng và chi phí khác 200.000 đồng, kèm thuế VAT sẽ có giá tổng là 3 triệu 950 nghìn đồng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều khoản chi phí trong số này đã được chủ đầu tư tính với mức giá "cắt cổ". Ví dụ như giá của một cụm đồng hồ đo nước cùng chủng loại, đầy đủ phụ kiện đi kèm, nếu mua với số lượng vài trăm chiếc chỉ khoảng 500.000 đồng, trong khi giá chủ đầu tư "vẽ" ra cao gấp đôi. Chưa kể, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn luật sư TP Hà Nội khẳng định, theo quy định hiện nay, việc đầu tư đường ống, đồng hồ nước là thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp. Trong trường hợp, thu tiền phí lắp đặt đồng hồ đo nước phải có sự thỏa thuận với người dân. "Số tiền người dân đã đóng góp bản chất là số tiền người dân cho doanh nghiệp vay không lãi để đầu tư, sau này phải hoàn trả cho dân. Vì vậy, việc doanh nghiệp bắt người dân phải cõng thêm cả tiền phí đường ống là vô lý, không đúng quy định", Luật sư Truyền nêu quan điểm.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị liên quan, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam đã đánh giá, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong vụ việc này.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam kết luận chỉ đạo tại cuộc họp
Về phía chủ đầu tư, trong quá trình thực hiện dự án chưa cập nhật và thực hiện đúng quy định về quản lý các công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh theo quyết định số 02. Theo quy định của UBND tỉnh Hà Nam, khi tiến hành lắp đặt đồng hồ đo nước, thì đơn vị cấp nước phải có trách nhiệm lập phương án giá lắp đặt đồng hồ nước gồm vật tư, thiết bị, chủng loại đồng hồ, nhân công… từ mạng lưới phân phối tới khách hàng sử dụng nước, có sự thỏa thuận giữa chính quyền sở tại với khách hàng sử dụng nước, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trước khi lắp đặt. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Hà Nam, hiện nay công ty mới gửi báo cáo phương án giá lắp đặt đồng hồ nước, nhưng chưa có sự xác nhận của chính quyền địa phương, nên chưa tiến hành thẩm định, vì báo cáo của doanh nghiệp chưa đúng theo quy định.
Chính quyền cấp xã Thanh Tâm chưa làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý các công trình đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn; không có sự phản ánh kịp thời đến các cơ quan ở huyện, tỉnh dẫn đến việc người dân nôn nóng được dùng nước sạch nên tự thỏa thuận với doanh nghiệp về giá để lắp đặt đồng hồ sau khi doanh nghiệp phát giá.
UBND huyện Thanh Liêm chưa kịp thời chỉ đạo các phòng chức năng thực hiện thanh kiểm tra công tác quản lý hoạt động của các công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn, phối hợp với UBND xã chưa chặt chẽ.
Đơn vị được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam giao nhiệm vụ lại chưa kịp thời nắm bắt thông tin trong việc triển khai thực hiện dự án, trong quá trình kiểm tra chưa nắm bắt những phát sinh kịp thời.
"Trong thời gian tới, đề nghị chủ đầu tư thực hiện đẩy nhanh tiến độ vì dự án đã chậm tiến độ rất nhiều lần. Đặc biệt phải phối hợp với chính quyền cấp xã, căn cứ chế độ định mức hiện hành để xây dựng ngay giá lắp đặt. Nếu giá xây dựng lắp đặt đồng hồ sau thẩm định thấp hơn giá đã tiến hành lắp đặt thì phải có phương án hoàn trả cho các hô đã lắp đặt. Nội dung này xong trước ngày 30/5/2020", ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Hà Nam khẳng định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!