Nguyên nhân sự việc là do Giám đốc Công ty Thuận An, đơn vị tham gia thí điểm chuỗi liên kết cá tra, đã ôm tiền cá của nông dân bỏ trốn. Sau nhiều lần giải quyết, tổ công tác do UBND tỉnh An Giang thành lập đã có cuộc làm việc với các hộ dân tham gia chuỗi liên kết để lắng nghe nguyện vọng của bà con.
Sở Công Thương tỉnh An Giang là nơi những hộ dân tham gia chuỗi liên kết cá tra đối thoại với đại diện UBND tỉnh An Giang. Các hộ dân cho biết, năm 2015, có 12 nông dân tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ cá tra ở tỉnh An Giang. Nông dân sẽ vay tiền ngân hàng dưới hình thức thức ăn. Sau khi thu mua cá của nông dân, Công ty Thuận An sẽ chuyển số tiền này qua Ngân hàng NN&PTNT tỉnh An Giang. Ngân hàng sẽ trừ vào số tiền nông dân đã vay mua thức ăn và trả lại cho bà con số tiền chênh lệch.
Tuy nhiên, Giám đốc Công ty Thuận An khi bỏ trốn đã mang theo gần 80 tỷ đồng tiền bán cá của nông dân. Thay vì đòi nợ Công ty Thuận An, ngân hàng lại quay sang đòi nợ nông dân. Hiện toàn bộ quyền sử dụng đất của bà con đã bị ngân hàng niêm phong.
Theo bà con, việc đòi nợ này là vô lý. Trong hợp đồng nguyên tắc của chuỗi liên kết, phía nông dân chỉ bán cá cho doanh nghiệp, còn số tiền vay Công ty Thuận An phải có trách nhiệm trả cho ngân hàng. Bà con cũng kiến nghị UBND tỉnh An Giang sớm báo cáo vụ việc lên Thủ tướng Chính phủ để có hướng giải quyết kịp thời bởi hơn một năm nay, tài sản của người dân đã bị ngân hàng niêm phong khiến họ không sản xuất được dù giá cá tra đang tăng rất cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!