Lễ hội Tịch điền nhằm cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, đồng thời tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, lòng biết ơn tiền nhân, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp.
Tại cánh đồng Đọi Sơn, cách đây 1030 năm, vua Lê Đại Hành đã về cày ruộng tịch điền khuyến khích nhân dân sản xuất nông nghiệp, mở ra điển lễ để các đời sau noi theo. Trong hàng nghìn lễ hội truyền thống diễn ra khắp các vùng miền cả nước, lễ hội Tịch điền tổ chức hàng năm đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, đề cao tinh thần trọng nông, vai trò của nhà nông "Dĩ nông vi bản", "Phi nông bất ổn". Lễ hội còn là hoạt động văn hóa du lịch, quảng bá hình ảnh, con người và những nét đặc sắc của văn hóa, du lịch của Hà Nam.
Phát biểu tại lễ hội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định việc duy trì lễ hội Tịch điền vừa thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, vừa khuyến khích, động viên nhân dân phát triển nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, tình hình kinh tế trong nước và khu vực còn gặp nhiều khó khăn, vấn đề an ninh lương thực ngày càng quan trọng, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của mặt trận nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
Sau phần lễ dâng hương trước bàn thờ thần Nông và linh vị vua Lê Đại Hành, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã phát động Ngày hội xuống đồng. Điểm gây nhiều ấn tượng trong năm nay là bên cạnh việc phục dựng lại hình ảnh vua Lê Đại Hành thân chinh xuống ruộng cày trước văn võ bá quan và dân chúng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã cùng các lãnh đạo ban, bộ ngành và địa phương sử dụng 6 máy cày chuyên dụng để thực hiện nghi thức xuống đồng đầu năm. Đây là thông điệp được Chủ tịch nước thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chuyển tới nông dân cả nước về chủ trương nhất quán trong thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cũng tại sự kiện, tỉnh Hà Nam đã đón nhận Bằng chứng nhận lễ hội Tịch điền là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời trao cờ, Bằng công nhận 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016.
Cũng trong ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới thăm một doanh nghiệp chế biến nông sản trong khu Công nghiệp Cầu Giát, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Tham quan dây chuyền chế biến của doanh nghiệp, Chủ tịch nước đánh giá cao những thành tích của công ty trong lĩnh vực hoạt động, đồng thời mong muốn lãnh đạo, cán bộ, người lao động công ty cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, chú trọng đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, đảm bảo chất lượng nông sản, mở rộng sản xuất, tiếp cận các thị trường mới và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Nhân dịp về dự lễ Tịch điền, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đoàn công tác đã về dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng Liệt sĩ tỉnh Hà Nam tại Đền thờ các Anh hùng Liệt sĩ tại thôn Đình Tràng, xã Lam Hạ, thành phố Phủ Lý. Cũng tại đây, Chủ tịch nước đã thăm di tích Quốc gia Trận địa pháo phòng không Lam Hạ, nơi 10 nữ dân quân Lam Hạ đã chiến đấu và hy sinh anh dũng.
Trong các cuộc kháng chiến, tỉnh Hà Nam có hơn 17.000 liệt sỹ, hơn 15.000 thương binh, hơn 19.000 người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, 577 bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng và truy tặng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!