Gia đình ông Lê Anh Thảo (xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) đăng ký hộ kinh doanh cá thể với ngành nghề gia công đồ mộc dân dụng. Sau khi thảo luận với cán bộ thuế, hai bên đã thống nhất chỉ đóng thuế môn bài năm 2014 là 500.000 đồng/năm, thuế khoán hàng tháng 150.000 đồng. Tuy nhiên, đến kỳ đóng thuế năm nay, ông bị áp mức thuế 750.000 đồng/năm và 200.000 đồng/tháng mà không có lời giải thích nào. Do đó, ông đã khiếu nại và chậm nộp thuế, dẫn đến việc cơ quan thuế huyện Bắc Bình phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế tài sản.
Quá bức xúc, gia đình ông Thảo nộp đơn khiếu nại. Sau đó, Cục Thuế tỉnh Bình Thuận đã kết luận, Chi cục Thuế huyện Bắc Bình đã cưỡng chế sai tài sản, sai quy định. Tuy nhiên, khi "được vạ thì má đã sưng", nơi làm ăn của ông Thảo đã không còn khách hàng nào lui tới. Theo đó, mong muốn mở rộng cơ sở kinh doanh gần như chấm dứt vì cơ sở đã bị đóng mã số thuế.
Chỉ vì cách hành xử của cơ quan thuế, gia đình ông Thảo từ chỗ đang kinh doanh thuận lợi nay đã trở thành hộ nghèo vì bị mất toàn bộ nguồn thu nhập. Cơ quan thuế huyện Bắc Bình đến nay vẫn chưa bồi thường thiệt hại do cưỡng chế sai đối với gia đình ông Thảo vì hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường.
Các luật sư cho biết, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, bức xúc trong vấn đề đóng thuế vì thiếu sự hướng dẫn, hỗ trợ từ cơ quan thuế, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, thành phần không có đủ điều kiện để nắm rõ toàn bộ quy định pháp luật thuế cũng như không phải lúc nào cũng đủ chi phí để có được sự trợ giúp pháp lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!