COVID-19 - Kẻ thù vô hình: Khi nhân loại đã đi sau một bước

P.V-Thứ năm, ngày 09/04/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - COVID-19 đang dẫn trước nhân loại trong cuộc chiến đầy cam go. Làm thế nào để chiến thắng dịch bệnh và chúng ta sẽ học được gì từ cuộc khủng hoảng chưa từng có này?

4 tháng thế giới đương đầu với COVID-19: Một sự thay đổi không thể tưởng tượng nổi!

Với sự bất ngờ mang tính hủy diệt, COVID-19 đang "dẫn trước" con người trong cuộc đối đầu cao go này.

Cuối tháng 12/2019, Trung Quốc cảnh báo thế giới về một căn bệnh do một chủng virus chưa từng được biết đến gây ra, xuất phát từ thành phố Vũ Hán. Như một cơn sóng thần, COVID-19 âm thầm đổ bộ vào khắp các quốc gia, các thành phố lớn trên thế giới. Một thế giới phẳng, nơi con người du lịch ngày một nhiều và tự do hơn, đã khiến số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt với cấp số nhân. Từ 1 ca nhiễm được phát hiện tại một nước, con số này có thể lên tới hàng trăm ca chỉ trong vòng trên dưới 30 ngày.

Mặc dù đã có những bài học từ trường hợp của Trung Quốc, Hàn Quốc, nhưng các đánh giá và cảnh báo ban đầu về kẻ thù mới đa phần đều thể hiện sự thờ ơ, chủ quan của các quốc gia. Chỉ đến khi bỏ qua thời điểm vàng dập dịch, quan điểm về COVID-19 mới bắt đầu được thay đổi.

COVID-19 - Kẻ thù vô hình: Khi nhân loại đã đi sau một bước - Ảnh 1.

Ngày 23/1/2020 – khi toàn cầu có 79.205 ca nhiễm, Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom cho hay: "Đây là một trường hợp khẩn cấp ở Trung Quốc nhưng vẫn chưa phải là một trường hợp cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe ở cấp độ toàn cầu".

"Chúng tôi quan ngại sâu sắc về mức độ lây lan và mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19, cũng như sự hành động đáng báo động của các nước. Và do đó, chúng tôi (WHO) cho rằng COVID-19 có thể được mô tả như một đại dịch" là chia sẻ của chính ông vào ngày 11/3/2020, khi toàn cầu đã có 125.214 ca nhiễm COVID-19.

Ngày 6/3/2020, khi Mỹ mới có 240 ca nhiễm (11 ca tử vong), Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu: "Tôi cho rằng, COVID-19 cũng chỉ như 1 bệnh cúm thông thường". Nhưng chỉ 10 ngày sau, ông Donald Trump lại nói: "Chúng ta đang đối mặt với một kẻ thù vô hình, chúng ta đang đối mặt với một vấn đề mà 1 tháng trước không ai nhắc tới. Tình hình rất tệ, theo nghĩa là dịch bệnh rất dễ lây lan, lây lan tới mức kỷ lục" – khi Mỹ đã có 4596 ca nhiễm với 87 ca tử vong.

Ngày 4/3/2020, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói: "Chưa đến lúc chúng ta phải yêu cầu một lượng lớn người tự cách ly tại nhà" (Anh có 87 ca nhiễm). Nhưng quan điểm này cũng nhanh chóng thay đổi khi ngày 23/3/2020 (Anh có 6650 ca nhiễm, 335 ca tử vong), Thủ tướng Anh cho hay: "COVID-19 là mối đe dọa lớn nhất mà nước Anh phải đối mặt trong nhiều thập kỷ qua. Và nước Anh không đơn độc. Trên toàn thế giới, chúng ta đang chứng kiến sự tác động, tàn phá của kẻ giết người vô hình này".

Mỹ và châu Âu, giờ đang là tâm dịch COVID-19 của thế giới. Những biện pháp như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, đóng cửa toàn bộ thành phố, biên giới đã được các nước này áp dụng nghiêm ngặt hơn. Nhưng theo một con số thống kê, hiện cứ mỗi 4 giây, ở Mỹ lại xuất hiện thêm 1 ca nhiễm mới, Tây Ban Nha ghi nhận mỗi 11 giây có 1 ca nhiễm mới, con số này ở Pháp là 15 giây.

Ở nhiều quốc gia, số ca tử vong tăng gấp đôi sau mỗi 3 ngày, khiến nghĩa trang phải đóng cửa vì quá tải, sân trượt băng được huy động làm nhà xác dã chiến, hệ thống y tế nhiều nơi bị tê liệt, kéo theo đó là khủng hoảng kinh tế, tài chính.

COVID-19 đang nhắc nhở nhân loại rằng chúng ta dễ bị tổn thương như thế nào – bất kể là quốc gia nhỏ hay cường quốc. Nó cho thấy kẻ thù vô hình, là kẻ thù nguy hiểm nhất, bởi chỉ một phút lơ là, chúng ta sẽ phải trả giá bằng rất nhiều sinh mạng của đồng loại.

COVID-19 lây lan khủng khiếp như thế nào?

Phân tích của các chuyên ra cho thấy một số yếu tố có tính quy luật và đặc thù của loại bệnh chưa có thuốc đặc trị này, ở các nước đang bị dịch bệnh hoành hành nặng nề nhất. Cụ thể:

- 29 ngày: Là thời gian trung bình để số người nhiễm tăng từ 1 lên tới 100.

- 9.5 ngày: Là thời gian trung bình để số ca nhiễm tăng từ 100 lên tới 1000.

- 5 ngày: Là thời gian trung bình để tăng số ca nhiễm từ 1000 lên 8000.

Và một điểm chung của các "điểm nóng" COVID-19 trên toàn cầu đó chính là: người dân không đeo khẩu trang, không hạn chế tiếp xúc khi dịch bệnh ở quy mô nhỏ.

Các con số thống kê cũng chỉ ra rằng Hàn Quốc là một trường hợp ngoại lệ. Sau khoảng 1 tháng để đạt tới mốc 1000 ca nhiễm, nước này đã có những biện pháp mạnh tay để hạn chế lây nhiễm. Và 1 tháng tiếp theo, Hàn Quốc có số ca nhiễm chỉ 10000 ca, ít hơn gần 13 lần so với Italy – quốc gia cán mốc 1000 ca nhiễm, gần như cùng thời điểm với "xứ sở kim chi".

COVID-19 - Kẻ thù vô hình: Khi nhân loại đã đi sau một bước - Ảnh 2.

Có thể nói, cuộc đối đầu với COVID-19 là một cuộc chiến sinh tử của toàn nhân loại. Mỗi ngày chúng ta đều nhìn thấy số liệu những ca nhiễm mới và tử vong vì căn bệnh chưa có thuốc đặc trị này đang tiếp tục tăng lên theo cấp độ khủng khiếp. Đóng cửa và ở yên trong nhà là mệnh lệnh đối với hơn một nửa thế giới (gần 4 tỷ người). Thế giới đương đại chưa từng chứng kiến một cuộc khủng hoảng, một cuộc chiến hay một thảm họa nào có sức tàn phá tới độ hủy diệt như COVID-19.

Chúng ta thấy được gì từ cuộc đối đầu của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và rộng hơn là mỗi quốc gia trong cuộc khủng hoàng này? Chương trình COVID-19 – Kẻ thù vô hình, sẽ mang tới góc nhìn toàn cảnh về cuộc đối đầu với "kẻ thủ ác" này, với sự tham gia của các chuyên gia từ nhiều nơi trên thế giới và các phóng viên thường trú Đài THVN với những trải nghiệm từ "điểm nóng" của dịch bệnh. Mời độc giả quan tâm theo dõi qua VIDEO:

COVID-19: Kẻ thù vô hình - 08/4/2020

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước