Cứu trợ nước ngọt không thể cứu được hạn mặn

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 20/03/2020 18:30 GMT+7

VTV.vn - Nhiều chuyên gia nhận định, không thể trông chờ mãi vào những giải pháp tình thế như cứu trợ nước ngọt để giải quyết tình trạng hạn mặn ĐBSCL.

Theo dự báo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tình trạng hạn mặn năm 2020 sẽ khiến khoảng 130.000 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng và khoảng 150.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Thiếu nước, cách người dân vượt qua tình cảnh khốn khó hiện tại là đợi chờ nước ngọt cứu trợ được bộ đội mang tới hoặc phải đi mua với mức giá lên đến tận 100.000đ/m3. Những biện pháp này không thể giải quyết được tình hình khi độ mặn xâm nhập đã vượt mức kỷ lục năm 2016. 

Cứu trợ nước ngọt không thể cứu được hạn mặn - Ảnh 1.

Dự báo tình hình hạn mặn tại ĐBSCL năm 2020 vượt mức kỷ lục năm 2016

Nhận định cấp phát nước ngọt cho người dân chỉ có thể là giải pháp tình thế, tỉnh Long An đang phối hợp cùng các doanh nghiệp cấp nước để hoàn thiện kế hoạch xây thêm nhà máy nước sạch tại huyện Đức Hoà. Nếu dự án này được thông qua, hàng nghìn hộ dân quanh vùng sẽ được giải cơn khát. Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, chia sẻ rằng dự án nhà máy nước mới này sẽ là nguồn bổ sung cung cấp đủ nước cho tỉnh theo lộ trình phát triển trong 5-10 năm tới khi Long An sẽ xây dựng và phát triển thêm các khu đô thị và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo từ Hội Thủy lợi Việt Nam, lượng nước ngọt từ thượng nguồn về đến các nhánh sông Cửu Long bị đứt đoạn là do các nước phía trên thượng nguồn xây đập thủy điện gây tác động tới dòng chảy. Điều này khiến cho nguồn nước ngọt tại khu vực ĐBSCL hiện chỉ có thể trông chờ vào lượng mưa tự nhiên. Và hơn bao giờ hết, điều mà khu vực này cần là một chương trình ngọt hóa đúng nghĩa để người dân có nước sinh hoạt, hoa màu cây trái có nước tưới tiêu.

Cứu trợ nước ngọt không thể cứu được hạn mặn - Ảnh 2.

Chương trình ngọt hóa dài hạn là giải pháp phù hợp để giải quyết hạn mặn

Theo GS-TS Vũ Trọng Hồng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, mỗi năm, cả nước cần tới hơn 500 tỷ m3 nước ngọt. Nguồn nước trong nước chỉ đáp ứng được 300 tỷ m3 tính theo lượng mưa và phân bổ trên tất cả các hồ, sông, suối của cả nước. Tuy nhiên, điểm khó khăn của khu vực ĐBSCL là nơi đây không có nhiều hồ chứa để dẫn nước về. Vì thế, chiến lược ngọt hóa dài hạn cần phải tính đến chuyện chuyển nước từ miền Đông sang miền Tây bằng các đường dẫn nước, đồng thời phải xây dựng các hồ trữ nước ngọt đạt chuẩn. Như vậy mới là ngọt hóa đúng nghĩa.

Hiện nước mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ở khu vực ĐBSCL, trong đó có Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau đã phải công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn. Các chuyên gia cho rằng việc xây thêm cống ngăn mặn ở biển là biện pháp tốn kém nhưng không hiệu quả. Giải pháp cần được triển khai hiện nay là phải nhanh chóng xây dựng các hồ chứa trữ nước ngọt ngay tại các vùng bị mặn xâm nhập để dẫn nước từ vùng có trữ lượng nước ngọt lớn, đồng thời kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp cấp nước trong việc xã hội hóa đầu tư nước sạch cho người dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước