Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch kiểm tra khu xử lý chất độc hoá học dioxin tại sân bay Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN)
Với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, thời gian qua, công
tác xử lý ô nhiễm tại một số sân bay lớn ở miền Trung đã đạt được những kết quả
rất khả quan. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang tiến hành giai đoạn 2: làm sạch khu
vực phơi nhiễm tại sân bay Đà Nẵng và sẽ tiếp tục xử lý các khu vực khác trên
toàn quốc.
Từ năm 2011, Bộ quốc phòng Việt Nam đã chủ động phối hợp với
các Bộ ngành và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để triển khai "Kế
hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử
dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm
2020". Thời gian qua, các đơn vị chuyên môn của Bộ Quốc phòng đã làm sạch
hơn 45.000m3 đất và trầm tích bị ô nhiễm nặng. Hơn 5ha đất làm sạch đã được bàn
giao cho Tổng công ty hàng không sử dụng vào đích bay. Theo đánh giá của Bộ Tài
nguyên và môi trường, công nghệ xử lý dioxin tại Đà Nẵng rất hiệu quả. Tuy
nhiên, nếu xử lý các ô nhiễm dioxin nhiều nơi khác nữa cần phải có nhiều công
nghệ phù hợp, trong đó khuyến khích công nghệ trong nước.
Qua kiểm tra thực tế tại sân bay Đà Nẵng, Đại tướng - Bộ
trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định: Kết quả đạt được trong việc xử
lý dioxin tại Đà Nẵng là rất khả quan. Làm sạch dioxin trên cả nước là việc làm
mang tính nhân văn cao, là trách nhiệm chính trị của người lính trong thời
bình.
Cùng với việc xử lý dioxin giai đoạn 2 tại sân bay Đà Nẵng,
hiện nay, Bộ Quốc phòng đang lập kế hoạch để xử lý các điểm nóng phơi nhiễm
dioxin tại sân bay Biên Hòa, sân bay Phù Cát và một số khu vực dân sự khác.
Ngoài sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ từ Chính phủ Hoa Kỳ, Việt Nam rất cần
các nguồn hỗ trợ mới tái tạo được môi trường.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!