Đào tạo nghề nông thôn: Cần gắn với thực tiễn

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 15/04/2017 21:15 GMT+7

VTV.vn - Theo nhiều chuyên gia, nếu với phương thức đào tạo nghề nông thôn như hiện nay, khó có thể nói đến việc thay đổi chất lượng lao động, nếu không muốn nói là lãng phí.

Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956 ngày 27/11/2009. Đề án được thực hiện trong 11 năm (2010 - 2020) với mục tiêu dạy nghề cho khoảng 10,6 triệu lao động nông thôn.

Từ đó cho đến nay chủ trương này tuy đã có sự điều chỉnh, bổ sung cho sát hơn với thực tiễn, nhưng đánh giá lại 6 năm triển khai, với sự khiêm tốn về tỷ lệ lao động phát huy được hiệu quả sau dạy nghề đã đặt ra nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

Đến nay chưa có một thống kê nào về số chứng chỉ sơ cấp nghề đã được cấp ra, nhưng thực tế cho thấy là nhiều nông dân có được chứng chỉ không có nghĩa là sản xuất hiệu quả hơn, có chứng chỉ không có nghĩa đó là nghề nông dân muốn học. Trong một hội nghị gần đây, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH đã đặt dấu hỏi có hay không tình trạng đánh trống ghi tên khi một xã mà có 600 lao động đăng ký học nghề hoạn lợn. Rõ ràng khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn còn khá xa.

Trong 6 năm qua, chính sách cho đào tạo nghề nông thôn đã được điều chỉnh khá nhiều nhằm tháo gỡ những vấn đề vướng mắc từ thực tế. Quyết định 971 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2015 đã bổ sung và điều chỉnh những vướng mắc khi thực hiện theo đề án 1956 năm 2011. Nhưng theo nhiều chuyên gia, cốt lõi vẫn tạo dựng hệ thống đào tạo và cách đào tạo. Nếu với phương thức như hiện nay, khó thể nói đến việc thay đổi chất lượng lao động, nếu không muốn nói là lãng phí.

Giai đoạn từ nay đến 2020, mục tiêu của Liên Bộ NN&PTNT và Bộ LĐ, TB&XH là đào tạo nghề cho 5,5 triệu lao động nông thôn, trong đó có 1,4 triệu người học nghề nông nghiệp; 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp. Đã đến lúc phải thay đổi về cách thức đào tạo nghề nông thôn là vấn đề đặt ra cho giai đoạn mới này.

Chẳng hạn, khi nông nghiệp đang diễn ra những xu hướng mới như nông nghiệp công nghệ cao, biến đổi khí hậu, an toàn vệ sinh thực phẩm, hội nhập, đào tạo nghề nông thôn bắt buộc phải bám sát.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước