Việc đấu giá biển số xe sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách và tăng tính minh bạch. Tuy nhiên, thực tế những quy định trong đề án vẫn chưa đáp ứng hết được nguyện vọng của người dân cũng như tối ưu hóa nguồn thu cho ngân sách.
Một trong những nội dung chính trong đề án đã được trình Chính phủ là người trúng đấu giá không được quyền bán lại biển số xe đã cấp, mỗi biển số chỉ được gắn với một phương tiện giao thông. Với những quy định này, nhiều người dân cho biết sẽ cân nhắc về mức chi phí bỏ ra nếu tham gia đấu giá.
Việc đề xuất không cho phép người dân được quyền mua bán, chuyển nhượng biển số xe sau trúng giá, đại diện Cục CSGT đường bộ lý giải đây là biện pháp quản lý Nhà nước nên vẫn phải đảm bảo những quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Rõ ràng việc đấu giá biển số xe sẽ tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, cũng như hạn chế được những tiêu cực có thể xảy ra trong việc người dân phải chi tiền để có được biển số theo mong muốn, tuy nhiên nếu nói rằng có thu được tối đa từ nguồn tài nguyên này hay không đây vẫn là vấn đề cần được xem xét thêm.
Mặc dù theo đề án biển số xe ô tô được coi là tài sản công và khi tài sản đó được đấu giá lẽ ra người dân phải được quyền quyết định biển số đó vì lúc này đã trở thành tài sản riêng. Tuy nhiên, với điều kiện đi kèm không cho phép người dân định đoạt biển số trúng giá mục tiêu thu ngân sách sẽ không thể phát huy hết hiệu quả.
Theo đề án, 5 nhóm biển số sẽ được đưa ra đấu giá là: 5 chữ số giống nhau, 4 chữ số cuối giống nhau, 3 chữ số cuối giống nhau, số sau lớn hơn số trước và các số bất kỳ do người dân có nhu cầu tự chọn khác với 4 nhóm trên. Dự kiến, sau khi được Chính phủ thông qua, Bộ Công an sẽ lên kế hoạch triển khai cụ thể.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!