Đâu là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm bụi tại Hà Nội?

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 16/12/2019 21:01 GMT+7

Có nhiều nguyên nhân khiến ô nhiễm không khí trầm trọng tại Hà Nội. Trong đó một phần do tình trạng xây dựng, phá dỡ các công trình và vận chuyển vật liệu.

Thông tin không khí Hà Nội đạt mức ô nhiễm đỉnh điểm liên tục xuất hiện, đợt sau nghiêm trọng hơn đợt trước. Mỗi ngày người dân vẫn phải hít thở thứ không khí chết người mà không thể làm gì khác ngoài những khuyến cáo đơn giản như đeo khẩu trang hay hạn chế ra đường.

Theo số liệu thống kê từ Chi cục bảo vệ môi trường, trong tuần này, ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã gia tăng theo ngày... Nếu trong mấy tuần trước, vẫn có những lúc chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức trung bình, từ 100 trở xuống, thì sang tới 2 tuần gần đây chỉ số AQI lại tăng dần lên mức xấu. Thậm chí 4 ngày qua, chất lượng không khí Thủ đô ở ngưỡng màu tím, là mức rất xấu, tương ứng với chỉ số từ 201 - 300. Đây đã là cấp cảnh báo cao thứ 5 trong 6 cấp độ về ô nhiễm không khí. Chất lượng không khí như thế này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của tất cả mọi người. Đặc biệt là người già, trẻ em, người mắc các bệnh về hô hấp.

Một trong những nguyên nhân khiến ô nhiễm không khí gia tăng là do mây mù quay trở lại Hà Nội. Lớp mây mù như một màng ngăn, kìm giữ khói bụi, khí thải từ các hoạt động xây dựng, sinh hoạt, sản xuất của con người lại nhiều hơn trong bầu không khí chúng ta hít thở. Thêm vào đó, trời không mưa, gió cũng lặng nên không thể xua khói bụi đi.

Đầu tháng 10, người phát ngôn của UBND TP Hà Nội đã chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí bao gồm: khí xả thải từ ôtô, xe máy; đun bếp than tổ ong; ô nhiễm ao hồ lâu năm, tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa… Đặc biệt, có một nguyên nhân không thể không nói tới, đến từ việc xây dựng, phá dỡ các công trình và vận chuyển vật liệu. Đây được coi là thủ phạm chính gây ra tình trạng ô nhiễm bụi trên địa bàn nhiều tuyến phố ở Hà Nội.

Theo báo cáo của Liên Hợp quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương có gần 4 triệu người. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia.

Dù lo lắng, bất an nhưng người dân không còn thấy bất ngờ vì đó là chuyện "biết rồi, khổ lắm nói mãi". Có chăng, điều bất ngờ là dù nó kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng nay nhưng chưa thấy những động thái quyết liệt của chính quyền thành phố và cơ quan hữu trách để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm này. Cũng chưa có bất kỳ một chiến lược chống ô nhiễm không khí bài bản nào được công bố.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước