ĐBQH có quan điểm trái chiều về hình thức kỷ luật giáng chức: Bỏ hay giữ?

T.K-Thứ ba, ngày 11/06/2019 10:58 GMT+7

Chiều 10/6: tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội họp về Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Ảnh: Quochoi.vn

VTV.vn - Một số ĐBQH nghiêng về phương án 1 là bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức, nhưng một số khác lại cho rằng cần giữ hình thức này.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, các đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về việc nên giữ hay bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với cán bộ, công chức.

Cụ thể, Chính phủ đề xuất hai phương án: Phương án 1 là bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức tại khoản 1 Điều 79 của Luật hiện hành và bỏ quy định liên quan đối với hình thức này. Phương án 2 là giữ hình thức kỷ luật giáng chức trong Luật.

Theo phương án 1, sẽ không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức do nếu quy định hai hình thức giáng chức và cách chức thì dễ dẫn đến tình trạng nể nang. Bên cạnh đó, nếu giữ hình thức giáng chức thì không phù hợp với vị trí việc làm, vì đã xác định đủ số lượng lãnh đạo quản lý.

ĐBQH có quan điểm trái chiều về hình thức kỷ luật giáng chức: Bỏ hay giữ? - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) là một trong số các ĐBQH đồng tình với quan điểm bỏ hình thức giáng chức. Ảnh: TTXVN

Đồng tình với quan điểm bỏ hình thức giáng chức, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, hình thức này có khả năng áp dụng để bao che, hay cảm tính cho cán bộ bị kỷ luật: "Tôi thống nhất như dự thảo là bỏ hình thức giáng chức, hình thức này có khả năng áp dụng để bao che hay cảm tính cán bộ bị kỷ luật. Thời gian qua, hình thức này có áp dụng nhưng không nhiều, như vậy sẽ không phù hợp. Cán bộ bị kỷ luật đến mức cách chức thì cách còn không thì cảnh cáo, giáng chức sẽ không đủ tính răn đe, có thể nể nang, xử lý nhẹ hơn. Nếu cách chức, qua thời hạn bị kỷ luật sẽ có thể bổ nhiệm lại nếu đủ điều kiện. Riêng mục C, hạ bậc lương, tôi đề nghị áp dụng cả công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, không chỉ riêng người không giữ chức vụ".

"Về thời hiệu xử lý kỷ luật, tôi thống nhất nếu công chức bị kỷ luật cách chức thì thời hạn 2 năm mới được bổ nhiệm lại chức vụ hoặc tương đương. Mới một năm đã được bổ nhiệm lại xem ra chưa thuyết phục, đại biểu Hòa nói thêm.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cũng là một trong số các ĐBQH đồng tình với việc không quy định hình thức kỷ luật giáng chức. Đại biểu Phúc đưa ra 3 lý do: "Lý do thứ nhất để đảm bảo tương ứng với 4 hình thức xử lý đảng viên là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ thì đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý có 4 hình thức là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.

Lý do thứ hai, việc áp dụng hình thức giáng chức dễ dẫn tới tình trạng nể nang, né tránh, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Lý do thứ ba, quy định hình thức kỷ luật giáng chức sẽ xung đột với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm bởi hình thức giáng chức thực chất là bổ nhiệm vào vị trí chức vụ thấp hơn trong khi vị trí đó đã xác định đủ số lượng lãnh đạo quản lý. Hơn nữa người bị xử lý kỷ luật giáng chức mà vẫn công tác trong cơ quan cũ hay trong lĩnh vực chuyên môn cũ sẽ gây khó khăn cho người lãnh đạo mới và trong thực thi nhiệm vụ tham mưu".

ĐBQH có quan điểm trái chiều về hình thức kỷ luật giáng chức: Bỏ hay giữ? - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) nêu 3 lý do bày tỏ quan điểm đồng tình với việc không quy định hình thức kỷ luật giáng chức. Ảnh: TTXVN.

Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) chung quan điểm: "Về nội dung không trực tiếp tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, tôi thể hiện quan điểm tán thành với phương án Chính phủ trình. Với những lý do được nêu trong tờ trình tôi cho là thuyết phục".

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng cần giữ hình thức kỷ luật giáng chức. Có ý kiến cho rằng, các lý do Chính phủ đưa ra tính thuyết phục chưa được cao. Về mặt pháp lý, quy định hình thức xử lý kỷ luật giáng chức đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao và thực tế thời gian qua, căn cứ vào quy định này của Luật Cán bộ, công chức, hình thức kỷ luật giáng chức cũng đã được áp dụng.

Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), hai lý do Chính phủ đưa ra là không tiếp tục quy định kỷ luật giáng chức, cụ thể nếu quy định hai hình thức giáng chức và cách chức dễ dẫn đến tình trạng nể nang. Lý do thứ hai là nếu giữ hình thức giáng chức thì không phù hợp với vị trí, việc làm, vì đã xác định đủ số lượng lãnh đạo quản lý. Cả hai lý do trên đều có tính thuyết phục chưa cao.

Đại biểu Tám phân tích: "Nếu vì lý do nể nang mà không áp dụng giáng chức thì đó là lỗi chủ quan của chủ thể có thẩm quyền. Lỗi này có thể chấn chỉnh được trong quá trình nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức. Nếu vì lý do là vị trí đã được xác định đủ thì trong cơ quan, đơn vị khi đã thực hiện các vị trí việc làm xong rồi thì kể cả các vị trí của chuyên viên cũng được xác định và bố trí đủ hết. Trong khi đó lại chưa thể cho thôi việc, bởi vì mới chỉ là giáng chức, chưa phải cho thôi việc. Do vậy, vẫn phải sử dụng người này vào làm việc mà vị trí kể cả chuyên viên cũng đã hết. Đề nghị nên giữ lại hình thức giáng chức là cần thiết như phân tích trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đồng thời, cũng phù hợp với nguyên tắc "có thăng, có giáng" trong công tác cán bộ".

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nghiêng về phương án 2 là giữ hình thức kỷ luật giáng chức: "Tôi thống nhất phương án 2 và thấy là trong luật hiện hành thực hiện trong thời gian qua chưa có vướng mắc gì nhiều. Hai vấn đề phân tích trong tờ trình của Chính phủ tôi thống nhất với ý kiến của đại biểu phát biểu trước là do ý chí chủ quan của chúng ta thôi. Vì cách chức hoặc giáng chức là khoảng cách rất lớn, đây là áp dụng tùy theo mức độ vi phạm. Vì vậy, tôi thống nhất phương án 2 vì nhiều đại biểu phát biểu trước tôi đã phân tích nhiều".

ĐBQH có quan điểm trái chiều về hình thức kỷ luật giáng chức: Bỏ hay giữ? - Ảnh 3.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nghiêng về phương án 2 là giữ hình thức kỷ luật giáng chức. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Mong Văn Tình (Nghệ An) nêu ý kiến, đối với cán bộ, công chức chưa đến mức phải cách chức hay buộc thôi việc nhưng chỉ hạ bậc lương hay cảnh cáo, khiển trách thì quá nhẹ.

Đại biểu Tình nêu quan điểm: "Tôi tán thành với đa số ý kiến của Ủy ban pháp luật tại báo cáo thẩm tra số 2301 ngày 13/5/2019, theo đó tiếp tục giữ hình thức kỷ luật giáng chức như luật hiện hành với lý lẽ mà Ủy ban Pháp luật đã nêu".

Đại biểu của đoàn Nghệ An lý giải: "Giáng chức là hạ xuống chức vụ, cấp bậc thấp hơn. Nếu bỏ hình thức kỷ luật giáng chức thì chỉ còn hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc. Đối với cán bộ, công chức vi phạm chưa đến mức cách chức, buộc thôi việc nhưng nếu chỉ hạ bậc lương hay khiển trách, cảnh cáo thì quá nhẹ. Trong khi đó, áp dụng hình thức giáng chức là phù hợp".

"Công chức giữ chức vụ Trưởng phòng có vi phạm có thể giáng chức xuống Phó trưởng phòng, thay vì cách chức làm mất hết chức vụ của công chức, phủ nhận mọi nỗ lực phấn đầu của công chức đó trong suốt một quá trình dài. Trong khi đó, công chức đó chỉ vi phạm trong giai đoạn làm Trưởng phòng. Việc áp dụng giáng chức là tiếp tục tận dụng chất xám của cán bộ, công chức tại vị trí việc làm đã gắn bó lâu năm, đồng thời tạo điều kiện để chính cán bộ, công chức đó có cơ hội sửa sai về những khuyết điểm của mình, tiếp tục phấn đấu vươn lên", đại biểu Tình nêu một ví dụ cụ thể.

Về vấn đề này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phân tích: "Giáng chức là hạ xuống chức mà khi giữ chức vụ đó, anh vi phạm bắt buộc phải hạ xuống. Còn cách chức là anh vi phạm ở chức mà anh không còn có thể giữ chức vụ đó. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau".

"Nên giữ hình thức kỷ luật giáng chức là đúng", đại biểu Nhưỡng kết lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước