ĐBQH hối thúc giải quyết triệt để nạn "sim rác"

VTV News-Thứ năm, ngày 01/11/2018 10:02 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương)

VTV.vn -Một trong những giải pháp ngăn chặn "sim rác" mà Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra là công nghệ nhận dạng và xác thực ảnh thực với ảnh chứng minh.

Sau phiên họp Quốc hội chiều qua (31/10), vấn nạn "sim rác" một lần nữa được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn vào sáng nay (1/11).

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho biết, dù mức độ đã giảm nhưng vấn đề "sim rác" vẫn cần phải được giải quyết triệt để: "Đến nay, vấn đề sim rác vẫn đang tiếp diễn. Tất nhiên về mức độ có giảm hơn. Tại sao đặt vấn đề sim rác ở đây, tin thấy tin độc, tin xấu, tin vu khống rồi tống tiền, phí báng, tất cả các thứ bắt đầu từ vấn đề sim rác này. Vấn đề quản lý nhà nước là một chuyện nhưng các doanh nghiệp có đồng hành và thực hiện các quy định của pháp luật hay không?".

"Tập đoàn Viettel là một trong những nhà cung cấp một số lượng sim rác lớn ra thị trường. Bây giờ, chúng ta có thể ra ngoài ngay cổng phía bên ngoài hội trường ta có thể mua được sim rác ngay. Cứ nói chờ đến bao giờ mà cơ sở dữ liệu về quốc gia và về dân cư hoàn thiện thì chúng ta mới làm được cái này, chúng ta quá bị động trong việc chúng ta bảo vệ" - Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh.

Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, "sim rác" là khái niệm chưa được định nghĩa trong các văn bản pháp luật: "Đây là từ thường dùng để chỉ sim không có thông tin chính xác về người dùng và không tìm ra người dùng. Sim rác tồn tại dưới 2 dạng, thứ nhất là kích hoạt sẵn, tồn tại trên kênh phân phối, có thể mua dễ dàng và thứ hai là sim đã đến tay người dùng".

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định giải pháp căn cơ là người dùng sim phải chính danh, đăng ký đầy đủ thông tin và cái gốc thông tin là cơ sở dữ liệu căn cước công dân có số chứng minh, ảnh, vân tay để khi đăng ký chính xác đúng người, đúng sim.

ĐBQH hối thúc giải quyết triệt để nạn sim rác - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Khi chưa có cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện một số giải pháp khác. Thứ nhất là thu hồi "sim rác", từ cuối năm 2016, các nhà mạng đã tiến hành thu hồi sim rác kích hoạt sẵn trên kênh phân phối. Từ tháng 7/2017 đến nay đã thu hồi được 24 triệu sim, trong đó 50% thuộc về nhà mạng lớn nhất là Viettel. Thứ hai là đăng ký lại thông tin thuê bao, từ 7/2017, các nhà mạng tổ chức đăng ký lại trong đó có chụp ảnh. Thuê bao nào chưa đủ thông tin mà không đăng ký lại thì kiên quyết cắt dịch vụ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng thông tin thêm về việc đăng ký sim mới: "Sắp tới sim mới phải đăng ký đầy đủ thông tin, gồm cả chụp ảnh. Các nhà mạng không đưa ra thị trường sim giá rẻ để người sử dụng sim thay thẻ điện thoại. Bộ cũng đang nghiên cứu công nghệ nhận dạng và xác thực ảnh thực với ảnh chứng minh thư. Bộ giao tập đoàn VNPT phát triển công nghệ này, dự kiến quý 2/2019 xong. Công nghệ này không chỉ giúp việc đăng ký sim mà còn giúp xác thực trong việc đăng ký nhiều loại thẻ".

Làm được 3 việc này, sẽ giải quyết vấn đề sim rác một cách đáng kể khi chúng ta chờ đợi 1 giải pháp căn cơ là xây dựng cơ sở dữ liệu căn cước công dân" - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Trước đó, vào chiều qua, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đề cập tới việc xây dựng cơ sở dữ liệu công dân để giải quyết vấn nạn "sim rác": "Vấn đề sim rác, vấn đề này gốc nằm ở chỗ chúng ta phải có một cơ sở dữ liệu công dân chính xác, phải xác định được mối quan hệ giữa người đến đăng ký gắn vào sim và gắn vào chứng minh thư nhân dân. Chứng minh thư nhân dân hiện nay nhiều nước đã cài vào ID duy nhất, ảnh, vân tay, khi người đến đăng ký chìa chứng minh nhân dân ra cắm vào máy là hiện vân tay và ảnh.

Công ty cung cấp sim chỉ cần chụp ảnh và so với cơ sở dữ liệu đấy. Nếu ảnh trùng với ảnh trong chứng minh thư thì đây đúng là người sở hữu chứng minh thư đó. Như thế sim sẽ gắn vào chứng minh thư và gắn vào đúng người đó. Đây là giải pháp căn cơ nhất" – trưởng ngành Thông tin và Truyền thông khẳng định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước