ĐBQH tập trung “xoáy” Bộ trưởng Bộ Công Thương về hàng loạt dự án điện chậm tiến độ

T.K-Thứ năm, ngày 07/11/2019 10:56 GMT+7

VTV.vn - Sáng 7/11, tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình về các dự án điện chậm tiến độ: LNG Bạc Liêu, Long Phú, Thái Bình 2…

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn ĐBQH Bạc Liêu) tỏ ra sốt ruột khi dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc nhưng 18 tháng qua vẫn chưa thể triển khai. Nhà đầu tư đã hoàn thành thủ tục tròn 12 tháng theo yêu cầu của Bộ Công Thương, và Thủ tướng 2 lần chỉ đạo về dự án này.

"Xin đề nghị Bộ trưởng vui lòng cho biết tại sao lại có sự chậm trễ như vậy. Cần tiếp tục thực hiện những thủ tục gì để dự án này được Bộ trưởng trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh", đại biểu Nguyễn Huy Thái chất vấn.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, Bộ Công Thương đã 2 lần báo cáo Chính phủ về bổ sung dự án vào quy hoạch điện lực. Cụ thể, Bộ Công Thương đã trình dự án này vào ngày 2/12/2018, và được Thủ tướng Chính phủ xem xét để sớm đưa vào bổ sung trong quy hoạch điện để phục vụ cho mục tiêu phát triển nội địa.

Trong tháng 12/2018, Bộ Công Thương triển khai việc tổ chức xin ý kiến của các bộ, ngành thẩm định và tổng hợp báo cáo với Thủ tướng để thực hiện theo quy định pháp lý bổ sung quy hoạch và triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm, gần nhất, tháng 9/2019, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến bổ sung và hoàn thiện báo cáo bổ sung gửi Chính phủ vào cuối tháng 10.

ĐBQH tập trung “xoáy” Bộ trưởng Bộ Công Thương về hàng loạt dự án điện chậm tiến độ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương "còn chung chung". Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời rõ thời điểm triển khai dự án: "Như vậy thì bao giờ giải quyết, hiện dự án đã rất chậm rồi, chậm tới 18 tháng trong khi các thủ tục đầu tư, ý kiến Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đã có đủ. Giờ nói chung chung sẽ xem xét thì rất khó. Đây là dự án của khu vực đòng bằng sông Cửu Long. Bộ trưởng cho biết từ giờ tới cuối năm có giải quyết được không?".

Vị tư lệnh ngành Công Thương thừa nhận không thể trả lời chính xác thời điểm sẽ triển khai: "Bộ Công Thương cũng rất muốn sớm có quyết định triển khai dự án vì thực tế chúng ta đang thiếu điện, đang rất cần các trung tâm điện lớn như Bạc Liêu. Tôi chắc cũng không thể nói được thời điểm nào triển khai vì còn chờ Thủ tướng có ý kiến. Theo hiểu biết của cá nhân tôi, hi vọng sẽ vào đầu năm 2020".

Ngoài đại biểu Nguyễn Huy Thái, hàng loạt đại biểu Quốc hội khác cũng đặc biệt quan tâm tới các dự án điện bị chậm tiến độ, trong đó dự án nhà máy điện LNG Bạc Liêu. Theo đó, Chủ tịch Kim Ngân đề nghị Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời bổ sung sau phần chất vấn của Bộ trưởng Tuấn Anh.

Nhà máy nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu có quy mô 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ USD, được xây dựng trên diện tích 100 ha. Dự án được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, tỉnh dự kiến hoàn thành xây dựng nhà máy điện công suất 1.000 MW, dự kiến khởi động trong năm 2018, hoạt động cuối 2021.

Giai đoạn 2, dự án xây dựng bổ sung nhà máy điện công suất 1.000 MW, hoạt động cuối năm 2024. Giai đoạn 3, dự án xây dựng bổ sung nhà máy điện khí công suất 1.200 MW, đi vào hoạt động năm 2027.

Theo tính toán, dự án khi đi vào vận hành có thể đem lại nguồn thu khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách địa phương.

Cùng với dự án LNG Bạc Liêu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng trả lời về một số dự án điện khác. Cụ thể, trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn ĐBQH Bến Tre) về dự án điện Long Phú tại Sóc Trăng chậm trễ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải trình, dự án điện Long Phú do tổng thầu Nga triển khai đã hoàn thành hơn 77%. Tuy nhiên, nhà thầu này nằm trong danh sách Chính phủ Mỹ cấm vận, nên các nhà thầu phụ của Mỹ không tiếp tục thực hiện. Qua đó, tổng thầu không đủ điều kiện thực hiện. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, hiện Việt Nam đã tính đến phương án thay nhà thầu.

ĐBQH tập trung “xoáy” Bộ trưởng Bộ Công Thương về hàng loạt dự án điện chậm tiến độ - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tranh luận lại với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khi cho rằng, với dự án điện Long Phú đã thất bại và khả năng thua lỗ, vậy cần tập trung vào dự án điện Cà Ná vì nếu không, không đảm bảo cho đồng bằng sông Cửu Long.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) về các dự án năng lượng tái tạo chậm tiến độ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói, ngoài các dự án đã được phê duyệt đưa vào thực hiện với công suất lên đến gần 5.000 MW thì còn 260 dự án điện mặt trời đang chờ. Ngoài ra, còn 150 dự án điện gió đang đợi phê duyệt; 8 dự án điện khí đang được nghiên cứu để trình Chính phủ.

Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành thẩm định để thực hiện trong năm 2020. Với điện gió, sau tháng 11/2021 sẽ áp dụng theo cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư, khắc phục mặt hạn chế. Điện mặt trời cũng sẽ thực hiện tương tự và sẽ tổ chức đầu thấu cho các dự án này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước