Đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn gọi cuộc cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam là "một cuộc cổ phần hoá không minh bạch". (Ảnh: Báo Người lao động)
Tiếp tục câu chuyện bức xúc sau 2 tháng cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, thể theo đơn kêu cứu của cán bộ, nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam, nay là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam, sáng 21/9, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức cuộc họp báo với sự tham gia của đông đảo thành viên trong Nam ngoài Bắc.
Theo đó, Hội Điện ảnh Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra độc lập, liên ngành xem xét một cách khách quan toàn bộ tiến trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Đó là những sai sót trong lựa chọn đơn vị tư vấn định giá tài sản, việc chọn nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là sai sót nghiêm trọng trong việc định giá thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam. Thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam phải được xác định dựa trên thành quả lao động và sáng tạo nghệ thuật trong cả quá trình hơn nửa thế kỷ, chứ không phải kết quả kinh doanh thua lỗ trong ngắn hạn 5 năm.
Sau 2 tháng cổ phần hóa, nhà đầu tư chiến lược cũng thiếu minh bạch khi một mặt phủ nhận quyền tài sản của hãng phim truyện truyện đối với 400 tác phẩm làm nên diện mạo điện ảnh dân tộc, mặt khác lại chủ động khai thác thương mại một cách triệt để các tác phẩm này.
Nhà cổ đông chiến lược cũng không thực hiện 9 điều cam kết bằng văn bản và những hứa hẹn trong thư ngỏ trước đó như: trả lương chậm và không đầy đủ, giải phóng mặt bằng, di dời trang thiết bị, bố trí công việc không đúng năng lực và chuyên môn. Hội Điện ảnh mong các cơ quan quản lý Nhà nước phát huy cao nhất vai trò quản lý và điều tiết để sớm ổn định tình hình tại Hãng phim truyện Việt Nam, giúp các nghệ sĩ yên tâm sáng tác và cống hiến cho điện ảnh nước nhà.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!