Đề xuất giảm, cắt lương với công chức nghỉ hưu bị kỷ luật

Thùy An-Thứ năm, ngày 24/10/2019 15:00 GMT+7

VTV.vn - Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng), đề xuất này rất logic về mặt pháp lý và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Việt Nam.

Trong phiên thảo luận về thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, góp ý về nội dung đề xuất quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cho biết hình thức kỷ luật "xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm" có nhiều điểm bất hợp lý.

Đề xuất giảm, cắt lương với công chức nghỉ hưu bị kỷ luật - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) đề xuất giảm, cắt lương với công chức nghỉ hưu bị kỷ luật

Thứ nhất, theo địa biểu Hiển rất khó giải thích thế nào là tư cách chức vụ và trong các văn bản bổ nhiệm các chức vụ. Hiện nay không có văn bản nào dùng từ khái niệm là "tư cách chức vụ".

Thứ hai, quy định hình thức xử lý kỷ luật trên không tương thích và thống nhất với các quy định về trách nhiệm hình sự trong Bộ Luật hình sự và các quy định về xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức đương chức.

Chẳng hạn, theo Bộ Luật Hình sự hiện hành, nếu một cán bộ công chức giữ chức vụ, quyền hạn cao bị xử lý hình sự với hình phạt nghiêm khắc nhất là tù có thời hạn, chung thân thì họ vẫn không bị xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.

Tương tự như vậy, nếu cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cao nhất là buộc thôi việc thì họ cũng không bị xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm trước đó.

Thứ ba, quy định trên tạo sự tranh cãi không cần thiết về hệ quả pháp lý. Ví dụ nếu xóa tư cách chức vụ thì những văn bản, quyết định người này ký trong thời gian còn đảm nhiệm chức vụ có còn hiệu lực pháp lý hay không?

"Từ những phân tích trên, tôi cho rằng dự thảo không nên quy định hình thức xử lý kỷ luật xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm mà thay vào đó là hình thức kỷ luật giảm hoặc truất lương hưu vĩnh viễn kèm theo hậu quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm các chế độ. chính sách hiện đang được hưởng bao gồm cả lương hưu, các danh hiệu, huân, huy chương, các danh xưng như nguyên Bộ trưởng, nguyên Thứ trưởng...", ông Hiển cho biết.

Đề xuất giảm, cắt lương với công chức nghỉ hưu bị kỷ luật - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Trước đó, trong báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc này là một chủ trương lớn cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.

"Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trong dự thảo Luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết. Theo đó đối với từng hình thức xử lý kỷ luật "cảnh cáo", "khiển trách", "xóa tư cách" thì cán bộ, công chức còn phải chịu hệ quả kèm theo (ví dụ như cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó được hưởng)", ông Nguyễn Khắc Định cho biết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước