Sáng 6/8, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp thống nhất phương án tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2014. Chưa biết phương án tăng lương tối thiểu được lựa chọn thế nào nhưng theo ghi nhận của phóng viên Bản tin Tài chính Kinh doanh thì kể cả với mức tăng cao nhất là 36% theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại vùng 1, thì bài toán chi phí sinh hoạt của người lao động cũng khó có thể cải thiện. Còn các doanh nghiệp thì đang lo lắng bởi các khoản phí sẽ tăng rất nhiều.
‘ Người lao động luôn mong muốn lương tăng, giá cả đừng tăng.
Là doanh nghiệp may mặc có số công nhân lên đến 10.000 người, Tổng công ty May 10 đang rất lo ngại việc tăng lương tối thiểu. Vì là doanh nghiệp thuộc vùng 1, nếu mức tăng theo đề xuất là 19% thì doanh nghiệp này mỗi năm sẽ phải đóng thêm xấp xỉ 40 tỉ đồng tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đây là chi phí không hề nhỏ khi năng suất lao động không tăng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 lo lắng: “Tăng lương tối thiểu rất dễ gây ra tình trạng người lao động lười làm hơn, năng suất sẽ giảm đi…”.
Đại diện Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội thì cho rằng, việc tăng lương tối thiểu cho người lao động là cần thiết khi giá cả tiêu dùng ngày càng tăng. Tuy nhiên, cần phải có nguyên tắc và lộ trình hợp lý.
Ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội khẳng định: “Theo cơ chế thị trường, việc tăng lương cơ bản được thực hiện khi năng suất lao động tăng, nếu năng suất không tăng mà tăng lương thì doanh nghiệp chỉ còn cách giảm bớt công nhân”.
Trong khi việc tăng lương tối thiểu hay không còn chưa có quyết định cuối cùng, thì việc tăng bao nhiêu và tăng như thế nào xem ra cũng không quá gây chú ý với người lao động. Bởi theo họ, lương tối thiểu tăng thế nào cũng được, miễn sao số tiền mà họ được cầm về nhà phải tăng, và giá cả hàng hóa đừng có tăng theo.