Khu hố đào được xây quây bạt, lợp tôn đã cũ, lớp tường rêu xanh, vài chỗ sạt lở, không được ông Hán Văn Luận - người phụ trách trông coi giới thiệu thì khó có nghĩ đây là di tích lịch sử cấp quốc gia. Càng không thể nghĩ, dưới lớp bạt phủ với vài hòn gạch chèn tạm là di cốt người Việt cổ thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên có niên đại 3.000 - 4.000 năm, vô cùng giá trị.
Ông Luận bảo, không phải vì số tiền trách nhiệm trông coi chỉ vỏn vẹn 36.000 đồng/tháng - đã vài năm nay ông chẳng về tỉnh để lấy - khiến ông ngại chỉnh trang, tu sửa cho khu mộ mà bởi ông sợ nếu tự ý làm, có thể sai sót, hỏng di vật hàng nghìn năm tuổi của lịch sử, của quốc gia.
Vậy nên, dù xót lòng, buốt ruột vì di cốt - gốc tích tổ tiên xưa bị bỏ mặc, sau chèn bạt, ông cũng chỉ dám chủ động xây thêm mái che ngăn mưa, ngăn nắng này. Hai năm sau khi ông xây, huyện duyệt trả kinh phí.
Cạnh mộ cổ là hố gốm. Cái tấp nập hơn 10 năm trước khi nhiều đoàn khảo cổ về đây để khai quật những hiện vật bằng gốm - được đánh giá là đẹp nhất trong văn hóa Việt cổ - giờ chỉ còn là lá mục, đất tràn, dăm tiếng chó sủa, gà gáy ở chuồng nuôi sát cạnh.
Theo ông Hán Đức Bàn, Khu 4, Xóm Rền, Xã Gia Thanh, Phù Ninh, Phú Thọ, hàng năm, trên dưới 10 đoàn nghiên cứu, tham quan vẫn về đây để tìm hiểu khu di chỉ khảo cổ. Thế nhưng, phần lớn đều ra về trong tiếc nuối khi không thể chiêm ngưỡng những hiện vật có niên đại gần 4.000 năm tuổi vẫn cộm lên dưới lớp thảm che tạm đầy đất và lá.
Sau 50 năm được phát hiện, 12 năm được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, sự chỉnh trang, bảo vệ cho khu di chỉ khảo cổ xóm Rền mờ nhòa như tấm biển đã bạc màu, mất chữ. Bóng hình của một khu di chỉ khảo cổ giá trị trên mảnh đất này chỉ còn lại trong những bức ảnh treo nhà văn hóa thôn với những băn khoăn, tiếc nuối và cả nghi ngại của cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!