Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx, một nhà lý luận thiên tài, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, sáng nay (4/5) tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Di sản tư tưởng của Karl Marx và ý nghĩa thời đại".
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì hội thảo.
Nhiều học giả cho rằng, với phát kiến vĩ đại về triết học, xã hội học, kinh tế học, lịch sử, pháp lý, chính trị. Karl Marx đã có ảnh hưởng to lớn đối với sự phát triển của nhân loại. Với hai phát kiến khoa học vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, Marx đã đặt nền móng vững chắc cho việc hiện thực hóa tư tưởng về chủ nghĩa xã hội khoa học - học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng loài người khỏi mọi hình thức nô dịch, áp bức, bóc lột và tha hóa.
Nhiều đại biểu cho rằng chủ nghĩa tư bản hiện đại dù tiến bộ hơn so với chính thời điểm Marx nghiên cứu nhưng thực tế vẫn có nhiều khuyết điểm không thể tự khắc phục. Đồng thời sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự sụp đổ về mô hình chứ không phải sự sụp đổ, hay là sai lầm về mặt lý luận của chủ nghĩa Marx.
Tư tưởng của Marx đã, đang và sẽ còn sống mãi với nhân loại. Như Terry Eagleton đã nhận định: "Quan niệm của Marx về tự nhiên và môi trường đáng ngạc nhiên là đã vượt xa thời đại mà ông đang sống. Không thể có người chiến sĩ kiên trung nào vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, hòa bình thế giới, chống chủ nghĩa phát xít và độc lập cho các nước thuộc địa như phong trào chính trị mà công trình của Marx đã sinh ra".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!