Dịch tả lợn châu Phi có gây bệnh ở người không?

Minh Đức-Thứ hai, ngày 04/03/2019 17:37 GMT+7

VTV.vn - Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khẳng định dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh ở người nên người dân không cần hoang mang, tẩy chay thịt lợn an toàn.

Đầu năm 2019, Việt Nam đã phát hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 2 tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, đây là căn bệnh truyền nhiễm ở lợn và lợn rừng với tỷ lệ tử vong lên đến 100%, gây thiệt hại lớn về thương mại và kinh tế cho ngành chăn nuôi lợn nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Trước thông tin dịch tả lợn châu Phi hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới, nhiều người lo lắng liệu căn bệnh nguy hiểm này có lây nhiễm ở con người hay không? Ngoài mối nguy về kinh tế, căn bệnh này còn có khả năng đe dọa gì đối với sức khỏe con người?

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, dịch tả lợn châu Phi có tác nhân gây bệnh là virus nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Ông cho biết, kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vậy nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người. Do đó người dân không cần hoang mang, tẩy chay thực phẩm là thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và chế biến hợp vệ sinh. Tuy nhiên, người dân cần nấu chín thịt lợn trước khi ăn, tránh đi vào vùng dịch, nếu phát hiện lợn chết thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng. Một số chuyên gia nhận định, lợn mắc dịch tả châu Phi có thể mắc thêm những bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm... Những bệnh này có thể gây hại cho sức khỏe con người nếu ăn các sản phẩm từ lợn bệnh chưa được nấu chín kỹ. Do đó, người dân chỉ nên sử dụng các loại thực phẩm đã được nấu chín kỹ, đảm bảo vệ sinh.

Bệnh tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus African swine fever virus (ASFV) gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỷ lệ chết cao, lên đến 100%. Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Trong năm 2018, nhiều nước thuộc châu Phi, châu Âu và châu Á đã ghi nhận các vụ dịch bệnh tả lợn châu Phi ở các đàn lợn.

Theo Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dấu hiệu đặc trưng để nhận biết bệnh dịch tả lợn châu Phi là lợn có biểu hiện sốt rất cao trên 40 độ. Đối với một số bệnh khác thì chỉ xảy ra trên một số loại lợn, nhưng đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi thì xảy ra với tất cả các loại lợn (nái, đực, con, choai); tỷ lệ chết rất cao vì chưa có vaccine điều trị.

Do bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh mới, không lây lan sang người nên Cục Thú y cũng khuyến cáo người chăn nuôi không bán lợn bệnh và cần bình tĩnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch...

Thời gian vừa qua, tỉnh Hưng Yên và Thái Bình đã phát hiện có bệnh dịch tả lợn châu Phi tại một số hộ chăn nuôi thuộc một số xã. Đến thời điểm này, các ổ dịch tả lợn châu Phi tại Hưng Yên và Thái Bình đã được kiểm soát và đã qua 20 ngày không phát sinh. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, do dịch bệnh có những tác động rất lớn đối với các đàn lợn và kinh tế của người dân nên cần triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát sớm dịch bệnh trên các đàn lợn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước