Điều gì khiến thị trường trà sữa tại Việt Nam sôi động?

Minh Đức-Thứ tư, ngày 29/11/2017 06:00 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Trà sữa được xem là mặt hàng đầu tư có nhiều ưu điểm, chỉ sau 6 tháng đến 1 năm là đã có thể giúp một quán trà sữa thu hồi được vốn nếu kinh doanh thuận lợi.

Cơn sốt trà sữa xuất hiện ở Việt Nam đã lâu, nhưng chưa bao giờ thị trường trà sữa Việt lại sôi động như ngày nay, khi có sự góp mặt của nhiều thương hiệu đến từ các nước trên thế giới như Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Malaysia... Hầu như trên mọi con phố lớn tại Hà Nội đều xuất hiện bóng dáng của những quán trà sữa với đủ thương hiệu lớn nhỏ. Những cung đường được xem là thế giới trà sữa như Tô Hiệu, Nguyễn Khánh Toàn, Xã Đàn... trở thành điểm đến "nhẵn mặt" với giới trẻ.

Điều gì khiến cho thức uống được pha chế từ 2 nguyên liệu chính là trà và sữa "sốt" trở lại? Và tại sao những quán trà sữa mới tiếp tục được đầu tư và mọc lên "nhan nhản" dù số lượng quán đã vô cùng đông đảo, phải chăng đây là món hàng hóa siêu lợi nhuận nên nhà nhà đổ xô đi bán trà sữa?

Chị Nguyễn Thanh Vi - người tham gia phát triển phát triển thương hiệu chuỗi 15 cửa hàng kinh doanh trà sữa trên khắp cả nước cho biết, có rất nhiều ưu điểm khiến trà sữa gây "sốt" trên thị trường trong thời gian dài dù giá của chúng không hề rẻ.

Chị Vi cho hay: "Thực tế, trên thị trường đang có hàng chục nhãn hiệu trà sữa nổi tiếng đến từ các quốc gia trên thế giới, mỗi nhãn hiệu đều có cách pha chế, hương liệu khác nhau. Nhiều quán có sự gia giảm hương vị để phù hợp với vị giác của khách hàng như đường đá hay sữa. Sự "tiến hóa" trong cung cách phục vụ cũng như hương vị đã giúp trà sữa thế hệ mới được lòng khách hàng hơn". Trung bình, một ly trà sữa hiện nay có giá dao động từ 45.000 - 70.000 đồng/ly, tùy vào khẩu vị, thành phần pha chế, topping.

Ngoài ra, độ "sang chảnh", vẻ ngoài bóng nhoáng, trẻ trung của nhãn hiệu trà sữa cũng là thứ quyết định sự thành - bại của một quán trà sữa trên thị trường. "Sẽ không ai tìm đến một quán trà sữa vừa nhỏ, vừa bẩn để uống một ly trà sữa giá 50.000 đồng. Giới trẻ ngày nay rất sành, các bạn ấy sẽ tìm đến những quán trà đẹp, phục vụ tốt, đồ uống ngon, phải như vậy mới đáng đồng tiền mà các bạn ấy bỏ ra. Mặt bằng của quán trà sữa nhất định phải là mặt đường, trên các tuyến phố lớn, gần các khu dân cư và trường học. Nếu đảm bảo được những điều này thì việc hồi vốn sẽ rất nhanh" - chị Thanh Vi cho biết thêm.

Điều gì khiến thị trường trà sữa tại Việt Nam sôi động? - Ảnh 1.

Thực tế, trà sữa là thức uống mang lại nhiều lợi nhuận và sự tiện lợi hơn so với những thức uống khác. Tính cả về chi phí nguyên liệu và chi phí bảo quản thì trà sữa ít tốn kém hơn nhiều so với các loại đồ uống như nước ép trái cây, sinh tố hoa quả...

"Những loại trà sữa thuộc các thương hiệu lớn rất ít khi chỉ sử dụng đơn thuần 2 - 3 loại nguyên liệu chế biến mà thường sử dụng 4 - 5 loại nguyên liệu. Ngoài trà và sữa còn có nước ép trái cây để tạo hương vị, siro, kem phomai, trân châu, thạch dừa, caramen... Vậy nên giá của những ly trà sữa này đắt gấp 2 - 3 lần các loại trà sữa bình thường. Công thức pha chế của những loại trà này cũng có thể xem là độc quyền, không nơi nào giống nơi nào, tạo hương vị khác nhau nên được nhiều người yêu thích" - chị Thanh Vi nhận định.

Nhiều người cho rằng, trà sữa là mặt hàng kinh doanh siêu lợi nhuận vì giá bán của chúng rất đắt, cao gấp nhiều lần so với tiền nguyên liệu làm nên một ly trà sữa. Trước vấn đề này, chị Thanh Vi đưa ra ý kiến: "Nguyên liệu sử dụng cho trà sữa ở các nhãn hàng lớn thường khá cao cấp, nhưng nếu với số lượng lớn nguyên liệu được nhập về rồi chia đều từ tổng kho cho các đại lý thì giá thành sẽ tương đối rẻ. Giá bán của một ly trà sữa giúp chủ thu lãi về khoảng từ 40 - 60%. Tuy nhiên, đây là phần lãi được tính theo giá trị của nguyên liệu tạo nên ly trà sữa, đi kèm với đó là rất nhiều khoản phí mà chủ quán sẽ phải chi trả như lương nhân viên, chi phí nhượng quyền, mặt bằng kinh doanh, chi phí tái đầu tư, điện nước..."

Chị Vi cho hay, đối với một chuỗi cửa hàng trà sữa, lợi nhuận sẽ được tính bằng cách doanh thu của một tháng trừ đi các loại chi phí, khấu hao, ngân sách đầu tư. Nếu người chủ không biết tính toán phần khấu hao thì sẽ rất khó hồi vốn, đặc biệt là phần vốn thuê và sửa sang mặt bằng. Vậy nên cách duy nhất là phải tăng doanh thu hàng tháng, lôi kéo khách hàng bằng chất lượng hương vị, thái độ phục vụ của nhân viên. Nếu cửa hàng kinh doanh tốt thì có thể nhanh chóng thu hồi vốn trong vòng 6 tháng đến 1 năm.

Trong mắt nhà phát triển thương hiệu, việc tạo nên "sức sống" cho trà sữa và quyết định việc liệu trà sữa tiếp tục gây sốt hay "chết yểu" phụ thuộc vào độ "tiến hóa" không ngừng của trà sữa trên thị trường như công thức pha chế, hương vị, phong cách phục vụ... Nếu không thể thay đổi liên tục để phù hợp với thị hiếu khách hàng, chắc chắn nhiều thương hiệu sẽ phải đối mặt với tình trạng thua lỗ.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Từ khóa:

trà sữa

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước