Mỗi khi thấy những đồ chơi đẹp, bà Tuyết lại ghé mua về làm quà cho cháu. Dù trong thâm tâm vẫn biết cần lựa chọn những đồ chơi an toàn, tuy nhiên, do chỉ mua bằng cảm tính cũng như chủng loại hàng hóa đồ chơi bày bán tràn lan trên thị trường nên bà Tuyết khá phân vân bởi rất khó phân biệt hàng nào là chất lượng, hàng nào là an toàn, chưa kể là nguồn gốc xuất xứ có đúng như in trên nhãn mác hay không?
"Thỉnh thoảng cũng có mua đồ chơi cho cháu nhưng mặt hàng quá nhiều nên rất khó lựa chọn" - bà Tuyết, TP Huế cho biết.
Đồ chơi Trung Quốc bày bán tràn lan.
Dạo quanh một số chợ trung tâm trên địa bàn thành phố Huế, thị trường đồ chơi khá đa dạng về kiểu dáng, phong phú về chủng loại, giá cả theo đó cũng có nhiều mức độ, phù hợp với túi tiền của nhiều đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là trong số hàng trăm mặt hàng đồ chơi, hàng Việt Nam khá khiêm tốn.
Theo các tiểu thương chợ Đông Ba, TP Huế, lượng đồ chơi xuất xứ Việt Nam chiếm chưa đến 20%, còn lại là hàng nước ngoài, trong đó chủ yếu là hàng Trung Quốc. Lý do mà chủ cửa hàng này đưa ra là mẫu mã đồ chơi trong nước quá đơn điệu, giá lại đắt hơn, nhiều khách hàng vẫn lựa chọn các mặt hàng nước ngoài, giá rẻ hơn nhưng mẫu mã bắt mắt để mua.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Vân, Tiểu thương Chợ Đông Ba, Thành phố Huế cho biết: "Người mua hàng cũng phân vân giữa hàng Việt Nam và hàng Trung Quốc nhưng nhiều người lựa chọn hàng Trung Quốc vì mẫu mã bắt mắt hơn".
Trước nhiều thông tin về đồ chơi mất an toàn, đồ chơi nhiễm độc, người tiêu dùng đã có những đắn đo khi mua đồ chơi cho con trẻ. Tuy nhiên trẻ nhỏ luôn bị hấp dẫn trước những sắc màu, tính năng đa dạng và mẫu mã của mỗi loại đồ chơi, việc từ bỏ những món hàng này thật khó đối với trẻ, kéo theo sự khó khước từ của người lớn. Để người tiêu dùng có thể yên tâm lựa chọn đồ chơi theo sở thích mà không phân vân suy nghĩ an toàn hay không an toàn rất cần sự kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.