Doanh nghiệp đang lách quy định tăng lương tối thiểu vùng?

Đào Huyền - Quỳnh Như (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ bảy, ngày 27/02/2016 06:00 GMT+7

VTV.vn - Liệu các DN có đang đối phó với quy định tăng lương tối thiểu vùng mới có hiệu lực để giảm bớt gánh nặng chi phí lương thưởng?

Theo quy định từ ngày đầu năm 2016, các doanh nghiệp buộc phải tăng lương tối thiểu vùng thêm trung bình 12,4 %, với mức cao nhất là 3.500.000 đồng/tháng. Thời điểm tăng lương cùng với thời điểm thay đổi chính sách lương thưởng của các DN như trên đang khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu các DN có đang đối phó với quy định tăng lương tối thiểu vùng mới có hiệu lực để giảm bớt gánh nặng chi phí lương thưởng?

Tăng lương tối thiểu vùng nhưng lại cắt hết phụ cấp, thậm chí không tăng lương tối thiểu, dồn tất cả các khoản phụ cấp vào khoản thưởng hoàn thành công việc, nhưng khoản thưởng này không phải dễ dàng gì được hưởng. Theo các công nhân, những quy định lương thưởng mới này quá khắt khe khiến họ bức xúc.

Anh Mai Ngọc Thanh - Công nhân Công ty Woodworth Wooden nói: “Hiện tại, công ty gom tất cả tiền đó thành tiền thưởng hoàn thành công việc, đây có sự mâu thuẫn, tiền hoàn thành công việc là thế nào, nếu bây giờ giao cho anh chị em không hoàn thành công việc thì công ty sẽ cắt”.

Theo ý kiến của luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc Công ty luật Basico, nếu các khoản phụ cấp nằm trong phần thỏa thuận hợp đồng lao động giữa hai bên, thì việc các DN cắt phụ cấp là hoàn toàn sai luật. “Về mặt nguyên tắc, doanh nghiệp đã làm sai, bởi theo quy định của pháp luật thì hợp đồng lao động có những điều khoản chủ yếu, một trong những điều khoản chủ yếu là mức phụ cấp lương, đó là những khoản tiền DN trả thêm cho người lao động ngoài tiền lương căn cứ vào tính chất công việc”.

Luật sư Trương Minh Hải cũng cho rằng, không loại trừ khả năng DN lách quy định tăng lương tối thiểu vùng, vì theo quy định mới, những khoản chi phí mà DN phải nộp tăng khá cao.

“Đằng sau câu chuyện đóng lương cho người lao động bằng lương tối thiểu thì còn một khoản chi phí rất lớn trên tổng quỹ lương, 24% tổng chi phí quỹ lương là cái mà DN phải chi trả sau đó, cho nên đẩy DN vào tình thế phải tự xoay sở”. Luật sư Trần Minh Hải nói.

Ngoài ra, hình thức xử phạt cho những sai phạm như thế này của các DN hiện chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính, khoảng từ 5 đến 70 triệu đồng.

Theo thông tin mới nhất, chiều tối 26/2, Sở Lao động TBXH TP.HCM đã có buổi làm việc chính thức với công ty Woodworth Wooden ở Củ Chi với hơn 3.000 công nhân đình công. Công ty này đã quyết định chuyển tất cả 350.000 đồng tiền tăng lương theo quy định vào lương cơ bản, mà không chia nhỏ ra rồi chuyển một phần vào phụ cấp như trước nữa. Hiện tại, công ty cho biết, hầu hết các công nhân đã đồng ý vào làm việc trở lại.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước