Theo chương trình, ngày mai (25/9) sẽ diễn ra Phiên trù bị Đại hội toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc nhiệm kỳ mới là tham gia giám sát và phản biện xã hội, trong đó có nội dung xây dựng, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng.
Tuy nhiên, làm thế nào để Mặt trận Tổ quốc có thể giám sát và phản biện Đảng khi mà “Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận”?
Những người gắn bó lâu năm với công tác Mặt trận cho rằng, yêu cầu từ thực tiễn đang đòi hỏi Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Mặt trận, không chỉ trong việc đề ra chủ trương mà Đảng cần phải thực sự là một thành viên có trách nhiệm trong Mặt trận.
Cuối năm 2013, thông qua Hiến Pháp, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã chính thức trao nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội cho Mặt trận Tổ quốc.
Tiếp đó, Bộ Chính trị cũng ban hành quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội. Có thể nói, chưa bao giờ, vai trò của Mặt trận dưới sự lãnh đạo của Đảng được đề cao như vậy.
Sự tin tưởng và trao cho Mặt trận sứ mệnh giám sát và phản biện sẽ là tiền đề quan trọng để Mặt trận phát huy vai trò của mình trong nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ có trao nhiệm vụ sẽ là chưa đủ, Mặt trận sẽ chưa thể phát huy được vai trò khi vẫn còn các cấp ủy chưa thể hiện rõ trách nhiệm là một thành viên có trách nhiệm của Mặt trận.
Trong Cương lĩnh và trong nhiều nghị quyết, Đảng đều đã khẳng định: “Đảng vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận”.
Trước thềm Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII sắp diễn ra, tất cả những người tâm huyết với phong trào của Mặt trận đều kỳ vọng, chủ trương này sẽ được thể chế cụ thể hơn tại đại hội lần này. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận sẽ có một vị thế mới trong đời sống chính trị, xã hội đặc biệt là khi được giám sát phản biện trong một cơ chế lắng nghe và hồi đáp đầy trách nhiệm từ phía các cấp ủy.
Mời quý vị theo dõi VIDEO chi tiết: