Đổi mới sách giáo khoa: Áp lực cả thầy lẫn trò!

Quang Hạnh-Thứ ba, ngày 23/04/2013 14:24 GMT+7

Ảnh minh họa.

 Mỗi lần chương trình sách giáo khoa thay đổi, nhiều người lại không khỏi băn khoăn, lo lắng bởi những hạn chế bất cập trong đào tạo ở các lần thay đổi trước đó.

Hai năm nữa, toàn bộ hệ thống sách giáo khoa phổ thông sẽ thay đổi, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống giáo dục. Tuy vậy, một vấn đề mà nhiều người không khỏi băn khoăn và lo lắng là liệu sau khi thay đổi, sách giáo khoa có làm thay đổi được chất lượng giáo dục? Bởi hiện nay, sau nhiều lần đổi mới hệ thống sách giáo khoa vẫn không phù hợp với thực tế đào tạo.

Sau lần sửa đổi sách giáo khoa năm 1981, một số nội dung trong chương trình toán lớp 5 được đưa xuống lớp 4, ví dụ như môn Toán chuyển động đều. Nhiều giáo viên cho rằng, việc sửa đổi này gây ra áp lực không cần thiết cho cả thầy cô và học sinh.

Cũng trong lần sửa đổi này, chương trình từng môn học ở bậc tiểu học đã bổ sung thêm nhiều nội dung, trong khi thời gian dạy và học lại không thay đổi. Đây cũng chính là gánh nặng đối với thầy cô giáo để đảm bảo nội dung chương trình dạy và học.

Nội dung sách giáo khoa phổ thông nặng và thiếu thực tế. Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng lý do xuất phát từ việc ở những lần thay đổi trước, thiếu những giáo viên trực tiếp đứng lớp tham gia góp ý xây dựng nội dung.

Hai năm nữa, hệ thống sách giáo khoa sẽ thay đổi lần thứ 3. Nhiều người hy vọng vào lần thay đổi này sẽ cải thiện được chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, nhiều người cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng khi mà mỗi lần thay đổi sách giáo khoa trước đây đều để lại những hạn chế bất cập trong đào tạo. Băn khoăn này là chính đáng bởi các thế hệ học sinh không thể mãi là đối tượng thử nghiệm của những lần liên tục thay đổi chương trình.

Để cùng bình luận về vấn đề trên, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Ngọc Thống - thành viên ban chỉ đạo đổi mới SGK 2015.

‘ Ông Đỗ Ngọc Thống - thành viên ban chỉ đạo đổi mới SGK 2015.

PV: Thưa ông bản thân là những người trong ban soạn thảo sách giáo khoa mới, ông có nhận định như thế nào về mặt được và chưa được của nội dung SGK hiện nay?

Ông Đỗ Ngọc Thống: Quá trình đổi mới SGK được bắt đầu từ năm 2000 theo Nghị quyết 40 của Quốc hội đến nay cũng đã nảy sinh rất nhiều ý kiến. Trong quá trình triển khai, chúng tôi cũng luôn xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT để rút kinh nghiệm. Đồng thời, qua từng năm chúng tôi cũng luôn tổ chức đánh giá những mặt đạt được và chưa đạt của việc đổi mới này.

PV: Nhiều bậc phụ huynh thắc mắc rằng, tại sao sách giáo khoa phổ thông lại càng ngày càng nặng và việc tăng độ khó của sách giáo khoa liệu có làm cho con em của chúng ta thông minh hơn không, thưa ông?

Ông Đỗ Ngọc Thống: Như chúng ta biết, tri thức của nhân loại càng ngày càng tăng lên rất nhanh vì vậy nhu cầu trang bị kiến thức cho học sinh cũng rất nhiều. Đúng là trong chương trình sách giáo khoa cũng có những phần khó, hàn lâm nhưng việc chương trình gây ra tâm lý quá nặng nề cho học sinh và giáo viên lại có rất nhiều nguyên nhân.

PV: Sau những lần rút kinh nghiệm từ trước, trong năm 2015 tới đây Bộ GD&ĐT đã rút ra được những kinh nghiệm gì để tránh gặp phải những bất cập, cũng như tránh gây những áp lực nặng nề cho cả giáo viên và học sinh?

Ông Đỗ Ngọc Thống: Theo tôi nghĩ, để đổi mới chương trình giáo dục quan trọng là phải xem xét lại và đánh giá thực trạng chương trình giáo dục đó có những mặt ưu điểm và hạn chế nào để khắc phục. Bên cạnh đó, chúng ta phải tham khảo các nước khác xem trình độ mặt bằng giáo dục của họ đến đâu từ đó để có thể học tập và rút kinh nghiệm. Các vấn đề này đều đang được Bộ GD&ĐT tích cực nghiên cứu.

Vâng rất cảm ơn ông đã tham gia trao đổi!

Mời quí vị theo dõi VIDEO phóng sự, cùng toàn bộ nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên VTV với ông Đỗ Ngọc Thống - thành viên ban chỉ đạo đổi mới SGK 2015.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước