Dù mỗi cộng đồng có phong tục đón Tết riêng nhưng với những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, niềm vui lan tỏa đến tận mỗi ngôi làng xa xôi.
Nhiều đời nay, cứ đến ngày Tết, đồng bào Xê Đăng dưới chân núi Ngọc Linh nằm giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum tiến hành 2 nghi lễ quan trọng nhất là dựng cây nêu truyền thống và sau đó là lễ cũng máng nước. Cây nêu mừng năm mới được là hình tượng nghệ thuật kiến trúc, là biểu tượng tâm linh của cộng đồng. Sau nghi lễ cúng, cồng chiêng lại tấu lên thông tin, thông báo dân làng tham gia ngày hội. Niềm vui ngày Tết lan tỏa trên những ngôi làng xa xôi vốn còn nhiều khó khăn cách trở.
Với đồng bào dân tộc vùng Trường Sơn, trong những dịp lễ lớn, rượu cần là thức uống truyền thống không thể thiếu. Nếu đàn ông ủ rượu, chị em phụ nữ sẽ đảm nhiệm việc làm bánh. Năm nay, giá sâm Ngọc Linh tăng cao, giá dược liệu ổn định nên đời sống bà con khấm khá hơn. Vì vậy, Tết ở vùng cao năm nay cũng vui hơn.
Ngược lên vùng cao biên giới huyện Nam Giang, Tây Giang của tỉnh Quảng Nam giáp với nước bạn Lào, không khí đón Tết ở đây ấm áp tình quân dân. Đã thành nét đẹp truyền thống, nhiều năm nay, Tết đến, đồn biên phòng và người dân các xã biên giới tổ chức chương trình Xuân biên cương.
Có thể nói, bà con nơi biên cương yêu quý người lính biên phòng như con, còn với người lính quân hàm xanh, vùng biên này là quê hương. Ngoài bánh chưng xanh, đồng bào vùng cao biên giới cũng làm nhiều món ngon để ăn Tết cùng người lính biên phòng, cùng nhau bảo vệ biên giới.
Năm nay, người dân miền núi tỉnh Quảng Nam và các tỉnh miền Trung đón Tết trong niềm vui thời tiết thuận lợi, đường sá đi lại thuận tiện. Với gần 7 vạn đồng bào Cơ Tu của tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, Tết là dịp để mọi người tạ ơn thần linh, tổ tiên ông bà, cầu mong nhưng điều tốt đẹp qua điệu múa Tung tung da dá. Tết năm nay, niềm vui hân hoan ngập tràn trên các ngôi làng ở miền núi xa xôi, nơi mà ngày thường, bà con vốn còn nhiều khốn khó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!